Trang

Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

PHÂN ĐỊNH THIÊNG LIÊNG - Phần 1 - Nhận diện thần lành, thần dữ bằng những chuyển động nội tâm

I. Phân định thiêng liêng được hiểu như thế nào?

Discerment dịch sang tiếng Việt là nhận định và phân định. Có nghĩa là: không một phán định chủ quan ("tôi nhận thấy...", "tôi nghĩ...") nào được tiếp nhận ngay nếu như ta chưa quan sát và lắng nghe thực tại, từ đó dựa trên những kinh nghiệm có trước để nhận diện hay phân tích thực tại ấy để tìm ra điểm cốt lõi khách quan của nó, rồi mới đưa ra một phán đoán; cuối cùng còn phải kiểm chứng phán đoán ấy để có được sự chắc chắn khách quan nhất có thể. 

Phân định khôn ngoan (prudental discernment) vận dụng sự sắc sảo của trí khôn và kinh nghiệm từng trải để quyết định theo những tiêu chuẩn nhân loại như thiện ích, lợi nhuận, lẽ phải và công bằng. 


Phân định thiêng liêng (spritual discernment) người phân định không chỉ vận dụng trí khôn ngay chính và lành thánh mà còn đặt mình "dưới sự soi dẫn của Thánh Thần" để truy tìm thánh ý Chúa.

Trong Linh Thao thánh Inhaxio không dùng từ "Phân định thiêng liêng" mà dùng từ "Phân định thần loại" (discernment of spirits) để nói lên cốt lõi của việc phân định là nhận biết nguồn gốc của các tác động của các thần đang tác động trên suy nghĩ, tưởng tượng, cảm xúc, khuynh hướng, ham muốn, cảm xúc của bản thân liên quan đến một thực tại bên ngoài hay trong nội tâm; từ đó cá nhân nhận ra được tiếng nói của Thiên Chúa hay sự thôi thúc của ma quỷ. 

II. Kinh nghiệm Phân định thiêng liêng của Thánh Inhaxio trong Tự thuật.

(Có thể xem thêm về Thánh Inhaxio hoặc đọc thêm Tự thuật thiêng liêng của ngài)

- Nhận thấy những chuyển động nội tâm khi ngài nhận ra có những lôi kéo khác nhau trong tâm hồn mình do tác động của Thần lành và thần dữ khi ngài đọc sách "Cuộc đời Chúa Giesu" và "Những bông hoa thánh thiện" trong thời gian dưỡng thương ở lâu đài Loyola (1521).

- Lối phân định "con lừa" (1522), một lần trên đường ngài không biết phải phân định như thế nào trước việc bỏ qua hay xử đẹp một người có ý xúc phạm đến Đức Mẹ thì ngài dùng con lừa mình đang cưỡi phân định thay bằng việc tháo dây cương ra nó đi theo hướng nào thì quyết định theo hướng đó.

- Phân định dựa trên sự sợ hãi luân lý (1523) vì sợ không giữ được đức khó nghèo và lòng cậy trông vào Thiên Chúa mà ngài để lại đồng xu cuối cùng trên băng ghế trước khi xuống tàu. 

- Phân định dựa trên sự tự do và bình tâm để tìm ý Chúa (1528-1535) 

- Đỉnh cao phân định thiêng liêng (1540) khi dòng được chuẩn nhận và ngài viết Hiến pháp dòng, từng điểm trong đó ngài đều xin ơn phân định thiêng liêng khi cầu nguyện và dâng lễ.

III. Ba chiến lược của kẻ thù (LT 325-326-327)

Kẻ thù: ma quỷ

(1) Kẻ thù sẽ ra yếu nhược khi gặp kháng cự mạnh mẽ chống lại chước cám giỗ, và nó là bạo chúa khi ta để cho nó thắng thế.

(2) Kẻ thù muốn mục đích và hành động của nó được giữ bí mật; nếu những dụ dỗ và cám dỗ của nó được tiết lộ cho cha giải tội hoặc với một vị khác, thì nó biết nó không thể thành công.

(3) Kẻ thù giống như một tướng quân tấn công một pháo đài ở điểm yếu nhất, vì vậy hắn sẽ tấn công người ta với những cám dỗ vào những nhân đức yếu nhất.

IV. Những ghi chú giúp nhận ra, phán đoán về những bối rối do xúi giục của kẻ thù (thần dữ) (LT 345-351)

1. Khi ta tự cho là có tội một điều không phải là tội. Do thần dữ dựng nên làm ta bối rối mà không sinh ích cho mình

2. Cảm thức nữa tin nữa ngờ, chính nó mới là bối rối và chước cám dỗ kẻ thù bày ra. Người mới hoán cả có thể làm họ ý thức về tội mà rời xa đàng tội lỗi.

3. Kẻ thù thường xem xét coi linh hồn thô thiển hay tế nhị. Nếu tế nhị, nó làm cho tế nhị hơn nữa, tới mức thái quá, gây nhiều lo lắng. Nếu linh hồn thô thiển, nếu trước linh hồn coi nhẹ các tội nhẹ, nó cố xui cho coi thường cả tội trọng, nếu linh hồn có kiêng nể chút ít, thì có cố xui cho coi thường hơn nữa.

4. Linh hồn muốn tiến tới trong đàng thiêng liêng phải xử sự ngược lại với sự cám dỗ của kẻ thù, nghĩa là nếu kẻ thù muốn làm cho linh hồn ra thô thiển hơn thì phải gắng trở nên tế nhị hơn. Nếu kẻ thù muốn làm cho linh hồn tế nhị thái quá, thì linh hồn phải gắng giữ trung dung để được bình an hoàn toàn.

5. Đôi khi linh hồn ngay lành muốn nói hay làm điều gì đẹp lòng Chúa, nhưng bị đưa tới cám dỗ xui đừng nói hoặc làm điều ấy, thì phải hướng lòng lên cũng Chúa và hành động ngược lại với chước cám dỗ, trả lời nó như Thánh Benado: “không phải mày mà tao bắt đầu, cũng chẳng vì mày mà tao chấm dứt”.

VI. Quy tắc để nhận biết những thúc đẩy khác nhau trong linh hồn, điều tốt để đón nhận và điều xấu để loại bỏ

(Phù hợp cho tuần thứ 1 của Linh Thao hoặc Linh hồn đang trong giai đoạn hoán cải, ăn năn)

Thần lành: Thiên Chúa và các thiên thần của Người

Thần dữ: ma quỷ

1: Đối với những người sa ngã hết tội trọng này đến trọng tội khác, kẻ thù thường quen bày cho họ những vui thú bên ngoài để dễ cầm giữ và thúc đẩy họ tiến sâu vào thói hư và tội lỗi. Lúc đó thần lành thôi thúc cho lương tâm cắn rứt họ.

2: Những người tiến trên đường ngay lành thì lại ngược lại. Lúc đó thần dữ tạo ra những chướng ngại bằng cách gây băn khoăn lo lắng giả để người ra khỏi tiến tới, còn thần lành là làm cho cam đảm và sức mạnh, an ủi, nước mắt ăn năn, ơn soi sáng và bình an, giảm bớt các trở ngại để cho người ra tiến lên trong đàng lành.

3: An ủi thiêng liêng là linh hồn được thúc đẩy nội tâm, khiến linh hồn bừng cháy lửa kính mến Thiên Chúa hơn mọi sự hoặc thấy Chúa trong các thọ tạo. Đó cũng là trường hợp linh hồn chảy nước mắt giục lòng mến Chúa, hoặc bởi đau đớn vì tội lỗi mình, hay vì sự thương khó của Đức Kito hay vì những điều khác hướng về sự phụng sự và ca ngợi Chúa. Làm gia tăng lòng tin-cậy-mến, cùng mọi niềm vui về những sự trên trời và phần rỗi riêng của linh hồn mình, làm cho linh hồn được nghỉ ngơi và an bình trong Thiên Chúa.

4: Sự sầu khổ thiêng liêng là sự tối tăm trong linh hồn, xao xuyến bên trong, thôi thúc những gì thấp hèn và phàm tục, lo lắng, xúi ta mất tin tưởng, trông cậy, lòng mến Chúa; linh hồn cảm thấy lười biếng, khô khan, buồn sầu vì như bị lìa xa Thiên Chúa.

5: Trong thời gian sầu khổ, đừng bao giờ thay đổi những quyết định đã có trước đó (lúc được ơn an ủi), phần nhiều là thần lành hướng dẫn, khuyên nhủ ta thế nào thì trong cơn sầu khổ, thần dữ cũng làm như vậy. Đừng theo lời khuyên của nó, nó sẽ làm ta lạc lối. 

6: Trong cơn sầu khổ nên chống lại với cơn sầu khổ ấy, chẳng hạn bằng cách chăm chú cầu nguyện, suy gẫm hơn, xét mình nhiều hơn và gia tăng sự hãm mình để không ngã theo sự dữ.

7: Đang gặp sầu khổ, ta hãy nghĩ rằng để thử luyện ta, Chúa đã để ta với sức tự nhiên chống trả cám dỗ của kẻ thù; ta vẫn có thể chống trả được. Vì Chúa ân sủng mạnh mẽ đi nhưng vẫn để lại ân sủng để để giúp ta vượt qua.

8: Đang cơn sầu khổ gắng giữ sự nhẫn nại, nếu hết sức chiến đấu với cơn khổ ấy.

9: Có ba nguyên do chính khiến ta gặp sầu khổ:

-        Thứ nhất: Lỗi ta mà sự thiêng liêng lìa bỏ ta như thiếu lòng yêu mến, lười biếng hay chểnh mảng.

-        Thứ hai: Chúa thử coi sức ta tới đâu;

-         Thứ ba: Để ta nhận thức mọi sự ân sủng ta nhận được đến từ Thiên Chúa, đừng tự đắc đến trở thành kiêu ngạo, khoe khoang.

10: Khi được ơn an ủi dành lấy sức cho cơn sầu khổ có thể đến sau đó

11: Ai được an ủi, phải tự khiêm hạ chừng nào có thể. Người lâm cơn sầu khổ phải nghĩ mình có thể làm được gì nhiều nhờ ơn Cháu trợ giúp.

VI. Quy tắc về cùng một vấn đề để phân biệt các thần rõ hơn (LT328-336)

(Phù hợp cho tuần thứ 2 của Linh Thao hoặc khi Linh hồn đã chọn theo hướng ngay lành, kẻ thù đến dùng những thúc giục tốt lành để dẫn dụ)

1: Chúa và các thiên thần khi soi giục làm bạn sự sảng khoái, vui vẻ thiêng liêng thật, xóa bỏ mọi buồn sầu và xao xuyến do kẻ thù đưa vào. Còn kẻ thù là chống lại niềm vui, an ủi thiêng liêng bằng cách đưa ra những lý do giả tạo và ngụy biện.

2: Chỉ có Thiên Chuá ban an ủi cho linh hồn mà không cần có nguyên do trước; là vào ra, đánh động linh hồn, lôi cuốn linh hồn vào lòng yêu mến Ngài. Sự an ủi phát sinh do tác động của trí tuệ và ý chí.

3: Khi có nguyên do, thần lành cũng như thần dữ đều có thể an ủi linh hồn những nhằm mục đích trái ngược nhau: thần lành nhằm mưu ích cho linh hồn, để nó lớn lên và ngày càng tốt lành hơn còn thần dữ rồi lôi cuốn linh hồn theo ý xấu xa tồi tệ.

4: Thần dữ là giả dạng thần lành đi vào chiều hướng của linh hồn để rồi kéo linh hồn theo đường của nó; nó bày ra những tư tưởng tốt lành thánh thiện hợp với tâm hồn công chính, rồi lần lần lôi kéo linh hồn ra theo những mưu mô ẩn kín và những ý tồi tệ của nó.

5: Cần chú ý diễn biến của tư tưởng. Nếu từ đầu đến cuối đều tốt, hướng hẳn về đường lành, là dấu hiệu của thần lành. Nếu tư tưởng đưa ta tới điều xấu hoặc lo ra, không được tốt như điều trước đó linh hồn đã định làm hoặc giảm bớt đi, khiến ta lo lắng, bối rối, mất sự bình an, yên tĩnh đã có từ trước đó, đó là dấu hiệu rõ ràng điều ấy bởi thần dữ.

6: Khi đã nhận ra kẻ thù bởi cái "đuôi rắn" của nó và sự xấu xa nó muốn đưa tới, thì người bị cám dỗ nên duyệt lại diễn biến của những tư tưởng tốt nó bày ra trước đó; nhờ nhận biết và ghi lại những kinh nghiệm đó, ta sẽ giữ mình cho khỏi những dối trá của nó.

7: Đối với những người đang tiến tới, thần lành soi dẫn linh hồn cách êm ái, nhẹ nhàng và dịu ngọt, như giọt nước thấm vào miếng bọt biển; còn thần dữ thì thúc đẩy cách chát chúa, ồn ào và sôi động, như giọt nước rơi trên đá. Với những người sa sút thì các thần nói trên hành động ngược lại. Lý do là tùy theo tình trạng của linh hồn trái ngược hay hòa hợp với các thần nói trên, vì khi trái ngược thì các thần xâm nhập cách ồn ào, dễ cảm thấy và nhận ra, còn khi hòa hợp các thần ấy xâm nhập lặng lẽ như vào nhà mình, cửa mở.

8: Khi an ủi không có nguyên do thì không có cạm bẫy, vì đó là ơn của riêng Thiên Chúa. Phải tỉnh thức. Trong thời gian tiếp sau ấy, nhiều lúc ta tự mình suy nghĩ theo tư tưởng và suy luận riêng hoặc do ảnh hưởng của thần lành hay thần dữ. Trước khi quyết định cần xét xem thật kỹ trước khi hoàn toàn tin tưởng ở những điều ấy và đem ra thực hành.

______________

Sách tham khảo: 

1. Linh Thao - Thánh Inhaxio 

Đây là một tập sách nhỏ nhưng giá trị lớn. Đó là những nguyên tắc, phương pháp thực hành Linh thao của chính Thánh Inhaxio viết ra cho chính ngài trên con đường ngài ấy đi tìm kiếm Thiên Chúa. Đây là cuốn sách chính mình rút ra những thông tin về phương pháp phân định thần loại của ngài.

2. Tự thuật thiêng liêng của Thánh Inhaxio (link)

Thánh Inhaxio kể lại trong nhật ký của ngài về cuộc hoán cải đi tìm gặp Chúa. Nổi trội nhất là phương pháp Phân định trong kinh nghiệm cá nhân của mình.

3. Phân định thiêng liêng - Tạp chí I-Nhã Dòng Tên Việt Nam

Cuộc sách là tập hợp nhiều bài viết về Phân định Thiêng liêng dựa trên sách Linh thao của Thánh Inhaxio để làm rõ thêm về phân định, những ghi chú trong tập sách Linh Thao.

4. Phút hồi tâm Tìm gặp Chúa trong mọi sự - Timothy M.Gallagher, O.M.V


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét