Trang

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

HAI LOẠI SẦU KHỔ



Một loại sầu khổ như đang ở địa ngục, một loại sầu khổ là niềm ủi an.
Một loại sầu khổ, chính mình là nạn nhân; một loại sầu khổ, chính mình lựa chọn nó.
Không phải sầu khổ nào cũng là sự thiêng liêng và đáng được chào đón. 
Không phải sầu khổ nào cũng là đáng khinh, cần loại bỏ để chỉ có an ủi, vì khi nó chính là cách cổng để dẫn đến niềm hoan lạc thật sự thì ta phải đi qua nó bằng sự cam đảm mà thôi. 

Vậy làm sao để nhận biết nó?
Hầu hết những câu trả lời quan trọng cho những vấn đề "đắt" nhất chỉ có thể tìm thấy bên trong mình. Căn nhắc việc tìm kiếm lời khuyên, nhưng hãy hỏi trái tim mình và Đấng Sáng Tạo của bạn, còn không bạn có thể bị lạc đường nếu chẳng may gặp phải người không phải tinh tấn trên con đường này. 

Nỗi đau trong quá khứ khi người ta còn bé, bị gây ra bởi ai đó, hay sự vấp phạm vào tội có thể gây ra những hậu quả nhất định về tâm lý. Việc giữ những nỗi đau này trong lòng, hằng lặp đi lặp lại nó như rãnh trên dĩa nhạc không khác nào giam cầm mình trong một nhà tù, ở đó quản ngục là nỗi đau, nạn nhân là chính mình, ở đó nạn nhân không ngừng gào khóc "tại sao lại là tôi".. Thường người trong sầu khổ này họ hay đòi sự công bằng cho mình hơn ai hết. Có những thứ càng tìm càng không được như: sự thừa nhận, sự tôn trọng, và tình thương người khác dành cho mình tương ứng với cái mình cho đi. Nếu không nhận lại được ta sinh ra oán giận, tổn thương nhiều nhất lại là chính họ.

Có sự sụp đổ của nhiều tâm hồn khi người ta không đậu đại học, bị phá sản, khi chia tay người yêu, xấu hổ vì ngoại hình của mình, hay mất người thân.. Họ mất phương hướng và tuyệt vọng cùng với sự sụp đổ của "điểm tựa" của họ. 

Không nhiều người tự tử nhưng phần nhiều tìm đến cách sống tự hủy hoại nhưng không phải ai cũng nhận ra. Hãy để ý đến những thứ ta nghiện nó nói ta nhiều về chính ta lắm đó. Có người nghiện shopping như cách giải quyết buồn phiền, có người nghiện nỗi buồn cứ buồn là họ lại tua lại cuốn phim đã cũ trong đầu và thấy điều chi cũng buồn thương như vậy, có người nghiện ngủ nướng vì họ sợ dậy sớm đối mặt với sự lo lắng của mình, có người nghiện game vì họ không dễ xoay sở cuộc sống thực của chính mình,.. Có nhiều cơn nghiện người ta còn không biết mình là ai, cứ chếch choáng để không thấy buồn lo trong phút chốc. Tự hỏi: tôi thích cái đó nhiều vì điều gì, nếu đó là sự né tránh cho những tổn thương nào đó thì ta phải đối mặt với mình thôi bạn ạ!

Có một nghịch ý ở những người mang nỗi sầu khổ này là sầu khổ từ bên trong họ mà họ lại đi tìm phương án ở bên ngoài ở nơi "sự vô thực" nhưng trông rất thực nên mãi không ra được, hoặc có người đến chìa tay nhưng họ từ chối bởi vì mình không xứng để có điều tốt hơn hoặc "tôi như này mà cần đến ai giúp". 

Có một cách đơn giản để vượt ra nỗi sầu khổ này là đặt lại "điểm tựa", không phải những thứ dễ thay đổi, thiếu ổn định. Mà là "điểm đựa bất biến", tựa vào Đấng Hằng Hữu, các nhân đức và mình tu thân để rèn luyện, sau đó làm việc của mình. Trong Người ta có tất cả những thứ ta cần, chỉ có Người mới trả cho ta sự công bằng. 

Khi ra khỏi sầu khổ thứ nhất này người đó giống như được cởi trói cỡ vài tạ trên mình. Rất chi là thoải mái. Họ thấy rất ổn khi ở một mình, mà nhiều khi họ còn thích được một mình không ai làm phiền họ để họ tận hưởng sự thinh lặng riêng tư đó với Chúa của họ. Nhưng họ vẫn chưa có sự thong dong đích thực vì nếu kêu họ trở lại nơi làm họ tổn thương, ở lại với người luôn làm họ tổn thương thì họ còn dè chừng lắm vì linh hồn họ chưa sẵn sàng với loại sầu khổ thứ hai này. 

Ở giữa loại sầu khổ thứ nhất và thứ hai có 2 ngã rẽ. Để đi tiếp thì ta phải lựa chọn rồi! 

Nếu ta không tỉnh thức thì ta đã để cái tôi chọn chứ không phải linh hồn ta chọn. Cái tôi nó sẽ chọn sự thoải mái, "ta tốt rồi", "ta khỏe rồi","hola, mình giỏi quá", ta không còn cần những người độc hại bên cạnh mình nữa.. Linh hồn ta khi đã có Thiên Chúa ngự trị, ta sẽ quay về nơi bóng tối, đó là sự lựa chọn tự hủy "cái tôi" của mình. Giống như Chúa Giesu trả lời Philato: "Ngài không có quyền gì đối với tôi. Không ai có quyền lấy mạng sống của tôi. Tôi nộp thân xác tôi trong sự tự do" Ga 19,10-11. Ta về ôm lấy những con nhím xù lông [ôm một con nhím thì không dễ chút nào], họ sẽ làm ta đau. Vết thương này không làm họ đau nhiều bằng họ thấu cảm nỗi đau của người kia. Họ thấy sự ghê sớm của sự dữ trên những linh hồn này và họ kêu lên cùng Chúa trong khi chính họ, họ tự hạ vũ khí của mình xuống để chờ Người đáp lời họ. Đó là sầu khổ thứ hai, lúc này họ cố gắng đạt được trạng thái bình an với Chúa trong lòng họ, sớm tìm đến trạng thái trung dung và không để cho tâm hồn họ bị xáo động. Khi ấy ân sủng như dòng nước đổ xuống họ, qua họ mà trao cho người khác. Thông qua đau khổ họ trở nên một kênh dẫn của sự sống vào nơi khô cằn, u tối, bế tắt để đem nước và ánh sáng đến những nơi không đến được vì thiếu tình yêu. 

Đôi lúc những linh hồn này họ còn cảm thấy sầu khổ vì bị Chúa bỏ rơi. Đôi khi Chúa cũng muốn thử thách xem mức độ trung tín, cư xử như thế nào khi linh hồn không có ân sủng của Người. Khi người đến lại thì những sầu khổ này chợt trở nên nhẹ nhàng. Khi linh hồn ở trong sầu khổ thứ hai này thì niềm mong muốn duy nhất của linh hồn họ là được ở trong Chúa mãi mãi, cái họ muốn cũng là cái Chúa muốn. Linh hồn họ không muốn thêm gì khác nữa nó trở nên hết sức đơn giản và nhờ thế họ được thong dong hoàn toàn, bình an hoàn toàn. Đó là thứ bình an trong đau khổ mà thế gian không cho họ được, cũng như đau khổ mà không phải tự họ xem họ là nạn nhân, mà họ tự do được lựa chọn để thực hiện Ý Chúa muốn nơi họ. "Thầy bảo thật với các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui" Ga 16,20 chẳng phải là điều này sao?

Linh hồn làm phân định để biết Ý Chúa, họ thả buông mình theo Ý Chúa, họ không nắm giữ một điều gì gây cản trở dòng chảy của Người qua họ. Họ hiểu rằng khiêm hạ là nhân đức họ cần phải có, họ tự hủy hoàn toàn "cái tôi" thích mắc dính vào thế gian và mê ảo vọng. Họ trở về với Chúa, trong Một với Người, để nơi họ là tình yêu không vị kỷ, tình yêu mạnh mẽ.

Nếu người ta chọn đi tiếp sầu khổ thứ hai họ tiến thêm những bước gần với Đấng Tạo Hóa của họ. Vẫn có những người khi họ ra khỏi sầu khổ thứ nhất họ yên vị trong sự bình an tạm thời đó hay họ không chọn chân lý để đi tiếp mà lại để cho cái tôi dẫn dắt họ [cái tôi lúc này khôn lanh hơn] thì họ sẽ thụt lùi; một lúc nào đó, họ nhận ra thì họ đã thấy mình loay hoay trong một sầu khổ khác của loại sầu khổ đầu tiên mà lắm khó khăn hơn. 

Dù con người ở trong nỗi sầu khổ nào thì họ cũng đang học. Ta không thể tránh những gì bên ngoài đưa đến cho mình ta chỉ có thể học nhanh bài học của mình để học bài học mới. Tất cả bài học cũng chỉ để "Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại" (Ga 3,30). Và chúng ta chỉ là chính mình và được trở nên như mục đích chúng ta được sinh ra khi ta để cho Chúa thực hiện mọi thứ trên ta và hoàn toàn vâng phục mà thôi!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét