Trang

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

Thưa thầy, thầy biết con yêu mến thầy

Từ Gielusalem về Galile lòng Phero nặng hơn chì dắt vào mẻ lưới ông. Ánh mắt thầy ngày nào đã làm ông ăn năn quá đỗi.

Hôm nay đi bắt cá, đi để vơi bớt sầu muộn. Ra đi để bận rộn, để lấp khoảng trống trong lòng đấy, chẳng lẽ ngồi buồn khổ mãi và để chờ đợi nữa. Thầy hứa sẽ gặp tôi tại Galile, tôi chờ gặp lại thầy.. Tôi chờ sự tha thứ mà tôi không xứng đáng được nhận, sao có thể tưởng tượng nổi: tôi đã chối bỏ Thiên Chúa kia chứ. Ôi Chúa, con vừa khao khát được tha thứ vừa cảm thấy không xứng để Người đoái nhìn đến con.
Trước đây tôi bắt cá để có tiền, làm gì cũng mong có tiền để giải quyết cuộc sống của tôi và gia đình tôi. Tiền là cái gì đó nếu thiếu tôi trở nên căng thẳng quá dữ. Tôi phải kiếm đủ tiền, sắp xếp cuộc sống tôi đã rồi còn tôi thời gian thì tôi sẽ liệu đến việc của Thiên Chúa..
- Chết tiệt, đến một con cũng không bắt được.
- Ngài muốn gì ở con hả Thiên Chúa?
- Người trông con khốn khổ đến thế này sao? Rồi đây nhà cửa gia đình con sẽ ra sao? Thật, hết rồi Ngài ạ.
Lạy Chúa, đó là ba năm cách đây. Giờ con vác lưới lên thì mấy anh em đi theo con. Ước gì con còn tâm trạng để bắt cá, chắc con phải làm gì đó để thấy con vẫn ổn. Con đã ở đây rồi, về Galile rồi..
...
Không một con cá cả đêm qua, thôi con về ngủ một giấc rồi tính tiếp vậy....
[Cảnh bắt được mẻ lưới lớn bởi sự chỉ dẫn cả Chúa]
Là Chúa tôi, đúng là Chúa tôi rồi...
[Nhảy xuống nước và bơi vào bờ]
- Lạy Chúa, con vì con là kẻ có tội, xin Người hãy tha thứ cho con. Ngài đã đến, đến thật rồi.
- Anh gọi các anh em đến ăn sáng cùng thầy, nhìn xem thầy đã dọn gì cho anh em này.
Thầy ơi, lòng con như muốn nói nhiều lắm mà tất cả như nghẹn lại. Con đã bắt được mẻ cá lớn mà sao con không vui bằng được gặp thầy. Thầy tha thứ cho cho thật sao thầy..
- Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy
- Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy
- Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy.
- Hãy chăm sóc chiên con của Thầy
..
- Con phải làm gì?
- Rồi Thầy sẽ cho con biết.
[Rồi Chúa tuyên báo về ông, ông không hiểu, nhưng vẫn nhớ lời đó]
Ngày trước khi Thầy gọi con hãy đi theo thầy để đánh mẻ lưới người con còn không biết được mẻ cá và "mẻ người" thì giá trị ra sao. Chỉ cần bắt được nhiều mẻ như hôm ấy thì bắt gì cũng được. Bao nhiêu năm theo thầy mà lòng con mở ra nhiều hơn con từng biết về con, con lại thấy mình đầy thiếu sót, và có vẻ con vẫn chưa biết về Thầy được bao nhiêu. Ngày xưa con còn cự với tụi La Mã ấy vậy mà con không đủ cam đảm để đối mặt cùng thầy phút cuối ấy, trên đường về Galile con đã dặn lòng thật nhiều để phải cam đảm đối diện với Người.. Con đã khác đi quá nhiều, như bị lột đi cái vỏ một Simon "xôi thịt" để là một Phero phơi bày đủ bất toàn mà cũng rất là mình, thoải mái một cách kỳ lạ.
[Đang nghĩ miên man thì nghe thầy gọi]
- Con hãy theo Thầy
- Dạ vâng
Những tia nắng đầu tiên đã rảy những lớp ánh vàng trên biển, không đủ để in dấu những bóng đàn ông đang bước đi trên bãi biển sáng hôm ấy. Họ nói vui vẻ, choàng vai nhau mà tiếng cười vang động cả một góc trời. Để mặc mẻ cá trên thuyền mà bước đi hăm hở cùng nhau.

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

Khi "Bình an thực" vắng mặt...


Nếu có những nỗi buồn, nghĩa là thiếu vắng niềm vui

Nếu có những bất công, nghĩa là thiếu vắng tình yêu thương

Nếu có những tổn thương, nghĩa là thiếu vắng sự tha thứ

Nếu có những tuyệt vọng, nghĩa là thiếu vắng hy vọng

Nếu có những bất lực, nghĩa là thiếu vắng niềm cậy trông

Nếu có những hoài nghi, nghĩa là thiếu vắng chân lý

Nếu có những bất hạnh, nghĩa là thiếu vắng hạnh phúc

Nếu có những bế tắc, nghĩa là ta chưa nghe trực giác

Nếu có những lo lắng, nghĩa là chưa sống ở hiện tại

Nếu có những trống rỗng, ta chưa thật sự là mình

.. Để luôn luôn tích cực, bình an thì ta cần Thiên Chúa vì Ngài là tất cả những gì tốt đẹp mà chúng ta khao khát trong đời. Có Người ta lại đủ đầy, thiếu vắng Ngài ta thiếu vắng mọi sự Bình an bên trong. Chỉ cần ta gọi Người: "Lạy Cha, xin đến với Con". Khi Ngài đến, ta lại đủ đầy như chưa bao giờ bị thiếu hụt vậy. 


Hiểu về "Thiền"

Đoạn kinh thánh nói về điều này:
(43) "Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi mà tìm không ra. (44) Bấy giờ nó nói: "Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi". Khi đến nơi, nó thấy nhà để trống, lại được quét tước, trang hoàng hẳn hoi. (45) Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc, tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước. Thế hệ gian ác này rồi cũng sẽ bị như vậy". Mt 12, 43-45
Khi người ta quá stress vì những suy nghĩ không cần thiết thì ta tĩnh tâm và thôi bám vào những suy nghĩ đó. Kiểu như nếu bạn ở gần một âm thanh náo động bạn rất khó chịu nhưng bạn ở xa nó thì bạn thấy nó rất dễ chịu. Ta biết sự rối loạn, suy nghĩ chạy lung tung trong cầu cả tốt lẫn xấu nhưng ta không bám vào nó, biết nó và nó tự biến mất. Đó là Thiền. Nhưng trong 24h một ngày chỉ có 1-2giờ giữ cho tâm hồn mình tĩnh lặng 22h kia khuấy nó lên thì không có tác dụng gì cả. Bạn phải tĩnh lặng, giữ thinh lặng cho tâm hồn mình, bất kỳ có sự sôi động hơn bình thườg ta cần xem xét nó. Có nghĩa là 24h mỗi ngày trừ giờ ngủ ta ý thức được việc chúng ta làm, cái mình nghĩ, sống trọn vẹn ở hiện tại, theo thầy Thích Nhất Hạnh nó gọi là Chánh niệm.
Với người Công giáo, nó còn sâu sắc hơn. Đó là trong 24h ấy, từng khoảnh khắc ta trao trọn linh hồn, trí hiểu, mọi sự ta cho cho Thiên Chúa, xin Chúa ở cùng chúng ta. Chúng ta cầu nguyện và giữ thinh lặng nhiều nhất có thể. Việc giữ thinh lặng đôi khi là luật buộc ở 1 số dòng chiêm niệm để tìm gặp Chúa. Việc giữ sự bình tâm là điều kiện tiên quyết để thực hành phân định thiêng liêng, để hiểu đâu là thúc dục của Chúa đâu là xúi dục của ma quỷ nhờ vào sự chuyển động, xao xuyến nội tâm. Nếu không giữ tâm hồn mình lắng lại, thinh lặng như thiền chánh niệm thì làm sao ta nghe được những chuyển động ấy. Trạng thái trống rỗng thiêng liêng đạt được từ điều này khi ta chuẩn bị kết hợp với Chúa (theo Cha Thomas Merton) là trạng thái đạt được của sự bình tâm hoàn toàn. Nhưng người Công giáo không dừng lại ở trạng thái trống rỗng này mà ta mời Chúa đến ngự trong tâm hồn ấy, chỉ có khi Chúa ta lấp đầy căn nhà tâm hồn được ta dọn dẹp sạch sẽ cho Người (xét mình, xưng tội, giữ mình trong sạch), vì Người (làm điều đẹp lòng Người) thì ta mới được no thoả. Lúc đó Chúa Giesu sẽ giúp chúng ta thực hiện ơn phân định thiêng liêng, và chỉ có Người mới dẫn ta đi đúng hướng. Nếu không có Chúa đến và ta cứ để tâm hồn vô chủ thì ma quỷ sẽ đến ở đó..
Người Công giáo tìm đến sự gặp gỡ với Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Chúng ta phải dọn chỗ, phải bình tâm và chỗ sạch sẽ đó chỉ dành cho Người mà thôi.
Bao năm thiền hăng say mà tự sức ta trong khi ta tu đức không đủ, hướng thiện không đủ thì kiểu nào cũng đang bị ma quỷ dụ bằng cách này hay cách khác. Với một người đã ý thức về đàng lành thì ma quỷ đưa ra những chỉ dẫn bắt đầu từ ý ngay lành sau đó mới dẫn dụ đến những sai lầm.
Có Chúa đến cùng ta, khi ta bỏ đi ý riêng của mình thì ta mới nhìn ra được cái đuôi rắn và trò phỉnh gạt của nó khi nó mới bắt đầu. Đi xa theo lời nó bao nhiêu, thì cái giá càng trả đắt bấy nhiêu.
Ngoài ra, lần chuỗi Mân Côi, lần Chuỗi Lòng Thương Xót Chúa kèm với sự chiêm nghiệm về các mầu nhiệm này chúng ta đã đạt mức cao hơn rất nhiều sự thiền định bình thường.
Phải rất nhiều năm Thiền người ta mới cảm nghiệm được sự gặp gỡ với Đấng Sáng Tạo sau khi bị "lạc" nhiều lần, người Kito hữu đến với Chúa không ít lần chúng ta cảm nghiệm Chúa thương mình, chúng ta gặp gỡ Người theo trải nghiệm riêng của mỗi người. Họ không biết Đấng họ thờ, nhưng chúng ta biết Đấng chúng ta thờ. Mình biết sự so sánh này hơi khập khễnh nhưng mình chia sẻ để mọi người biết chúng ta đang ở đâu. Đừng thả con tôm để đi bắt tép.
-----

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

HAI LOẠI SẦU KHỔ



Một loại sầu khổ như đang ở địa ngục, một loại sầu khổ là niềm ủi an.
Một loại sầu khổ, chính mình là nạn nhân; một loại sầu khổ, chính mình lựa chọn nó.
Không phải sầu khổ nào cũng là sự thiêng liêng và đáng được chào đón. 
Không phải sầu khổ nào cũng là đáng khinh, cần loại bỏ để chỉ có an ủi, vì khi nó chính là cách cổng để dẫn đến niềm hoan lạc thật sự thì ta phải đi qua nó bằng sự cam đảm mà thôi. 

Vậy làm sao để nhận biết nó?
Hầu hết những câu trả lời quan trọng cho những vấn đề "đắt" nhất chỉ có thể tìm thấy bên trong mình. Căn nhắc việc tìm kiếm lời khuyên, nhưng hãy hỏi trái tim mình và Đấng Sáng Tạo của bạn, còn không bạn có thể bị lạc đường nếu chẳng may gặp phải người không phải tinh tấn trên con đường này. 

Nỗi đau trong quá khứ khi người ta còn bé, bị gây ra bởi ai đó, hay sự vấp phạm vào tội có thể gây ra những hậu quả nhất định về tâm lý. Việc giữ những nỗi đau này trong lòng, hằng lặp đi lặp lại nó như rãnh trên dĩa nhạc không khác nào giam cầm mình trong một nhà tù, ở đó quản ngục là nỗi đau, nạn nhân là chính mình, ở đó nạn nhân không ngừng gào khóc "tại sao lại là tôi".. Thường người trong sầu khổ này họ hay đòi sự công bằng cho mình hơn ai hết. Có những thứ càng tìm càng không được như: sự thừa nhận, sự tôn trọng, và tình thương người khác dành cho mình tương ứng với cái mình cho đi. Nếu không nhận lại được ta sinh ra oán giận, tổn thương nhiều nhất lại là chính họ.

Có sự sụp đổ của nhiều tâm hồn khi người ta không đậu đại học, bị phá sản, khi chia tay người yêu, xấu hổ vì ngoại hình của mình, hay mất người thân.. Họ mất phương hướng và tuyệt vọng cùng với sự sụp đổ của "điểm tựa" của họ. 

Không nhiều người tự tử nhưng phần nhiều tìm đến cách sống tự hủy hoại nhưng không phải ai cũng nhận ra. Hãy để ý đến những thứ ta nghiện nó nói ta nhiều về chính ta lắm đó. Có người nghiện shopping như cách giải quyết buồn phiền, có người nghiện nỗi buồn cứ buồn là họ lại tua lại cuốn phim đã cũ trong đầu và thấy điều chi cũng buồn thương như vậy, có người nghiện ngủ nướng vì họ sợ dậy sớm đối mặt với sự lo lắng của mình, có người nghiện game vì họ không dễ xoay sở cuộc sống thực của chính mình,.. Có nhiều cơn nghiện người ta còn không biết mình là ai, cứ chếch choáng để không thấy buồn lo trong phút chốc. Tự hỏi: tôi thích cái đó nhiều vì điều gì, nếu đó là sự né tránh cho những tổn thương nào đó thì ta phải đối mặt với mình thôi bạn ạ!

Có một nghịch ý ở những người mang nỗi sầu khổ này là sầu khổ từ bên trong họ mà họ lại đi tìm phương án ở bên ngoài ở nơi "sự vô thực" nhưng trông rất thực nên mãi không ra được, hoặc có người đến chìa tay nhưng họ từ chối bởi vì mình không xứng để có điều tốt hơn hoặc "tôi như này mà cần đến ai giúp". 

Có một cách đơn giản để vượt ra nỗi sầu khổ này là đặt lại "điểm tựa", không phải những thứ dễ thay đổi, thiếu ổn định. Mà là "điểm đựa bất biến", tựa vào Đấng Hằng Hữu, các nhân đức và mình tu thân để rèn luyện, sau đó làm việc của mình. Trong Người ta có tất cả những thứ ta cần, chỉ có Người mới trả cho ta sự công bằng. 

Khi ra khỏi sầu khổ thứ nhất này người đó giống như được cởi trói cỡ vài tạ trên mình. Rất chi là thoải mái. Họ thấy rất ổn khi ở một mình, mà nhiều khi họ còn thích được một mình không ai làm phiền họ để họ tận hưởng sự thinh lặng riêng tư đó với Chúa của họ. Nhưng họ vẫn chưa có sự thong dong đích thực vì nếu kêu họ trở lại nơi làm họ tổn thương, ở lại với người luôn làm họ tổn thương thì họ còn dè chừng lắm vì linh hồn họ chưa sẵn sàng với loại sầu khổ thứ hai này. 

Ở giữa loại sầu khổ thứ nhất và thứ hai có 2 ngã rẽ. Để đi tiếp thì ta phải lựa chọn rồi! 

Nếu ta không tỉnh thức thì ta đã để cái tôi chọn chứ không phải linh hồn ta chọn. Cái tôi nó sẽ chọn sự thoải mái, "ta tốt rồi", "ta khỏe rồi","hola, mình giỏi quá", ta không còn cần những người độc hại bên cạnh mình nữa.. Linh hồn ta khi đã có Thiên Chúa ngự trị, ta sẽ quay về nơi bóng tối, đó là sự lựa chọn tự hủy "cái tôi" của mình. Giống như Chúa Giesu trả lời Philato: "Ngài không có quyền gì đối với tôi. Không ai có quyền lấy mạng sống của tôi. Tôi nộp thân xác tôi trong sự tự do" Ga 19,10-11. Ta về ôm lấy những con nhím xù lông [ôm một con nhím thì không dễ chút nào], họ sẽ làm ta đau. Vết thương này không làm họ đau nhiều bằng họ thấu cảm nỗi đau của người kia. Họ thấy sự ghê sớm của sự dữ trên những linh hồn này và họ kêu lên cùng Chúa trong khi chính họ, họ tự hạ vũ khí của mình xuống để chờ Người đáp lời họ. Đó là sầu khổ thứ hai, lúc này họ cố gắng đạt được trạng thái bình an với Chúa trong lòng họ, sớm tìm đến trạng thái trung dung và không để cho tâm hồn họ bị xáo động. Khi ấy ân sủng như dòng nước đổ xuống họ, qua họ mà trao cho người khác. Thông qua đau khổ họ trở nên một kênh dẫn của sự sống vào nơi khô cằn, u tối, bế tắt để đem nước và ánh sáng đến những nơi không đến được vì thiếu tình yêu. 

Đôi lúc những linh hồn này họ còn cảm thấy sầu khổ vì bị Chúa bỏ rơi. Đôi khi Chúa cũng muốn thử thách xem mức độ trung tín, cư xử như thế nào khi linh hồn không có ân sủng của Người. Khi người đến lại thì những sầu khổ này chợt trở nên nhẹ nhàng. Khi linh hồn ở trong sầu khổ thứ hai này thì niềm mong muốn duy nhất của linh hồn họ là được ở trong Chúa mãi mãi, cái họ muốn cũng là cái Chúa muốn. Linh hồn họ không muốn thêm gì khác nữa nó trở nên hết sức đơn giản và nhờ thế họ được thong dong hoàn toàn, bình an hoàn toàn. Đó là thứ bình an trong đau khổ mà thế gian không cho họ được, cũng như đau khổ mà không phải tự họ xem họ là nạn nhân, mà họ tự do được lựa chọn để thực hiện Ý Chúa muốn nơi họ. "Thầy bảo thật với các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui" Ga 16,20 chẳng phải là điều này sao?

Linh hồn làm phân định để biết Ý Chúa, họ thả buông mình theo Ý Chúa, họ không nắm giữ một điều gì gây cản trở dòng chảy của Người qua họ. Họ hiểu rằng khiêm hạ là nhân đức họ cần phải có, họ tự hủy hoàn toàn "cái tôi" thích mắc dính vào thế gian và mê ảo vọng. Họ trở về với Chúa, trong Một với Người, để nơi họ là tình yêu không vị kỷ, tình yêu mạnh mẽ.

Nếu người ta chọn đi tiếp sầu khổ thứ hai họ tiến thêm những bước gần với Đấng Tạo Hóa của họ. Vẫn có những người khi họ ra khỏi sầu khổ thứ nhất họ yên vị trong sự bình an tạm thời đó hay họ không chọn chân lý để đi tiếp mà lại để cho cái tôi dẫn dắt họ [cái tôi lúc này khôn lanh hơn] thì họ sẽ thụt lùi; một lúc nào đó, họ nhận ra thì họ đã thấy mình loay hoay trong một sầu khổ khác của loại sầu khổ đầu tiên mà lắm khó khăn hơn. 

Dù con người ở trong nỗi sầu khổ nào thì họ cũng đang học. Ta không thể tránh những gì bên ngoài đưa đến cho mình ta chỉ có thể học nhanh bài học của mình để học bài học mới. Tất cả bài học cũng chỉ để "Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại" (Ga 3,30). Và chúng ta chỉ là chính mình và được trở nên như mục đích chúng ta được sinh ra khi ta để cho Chúa thực hiện mọi thứ trên ta và hoàn toàn vâng phục mà thôi!


Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

GƯƠNG CHÚA GIESU



Một cuốn sách hay và dễ đọc..
Một cuốn sách đã xuất bản chừng 500 năm nhưng vẫn có giá trị nhiều trong thời hiện đại
Một cuốn sách ảnh hưởng đến các các Thánh Teresa, Inhaxio..
Một cuốn sách bán chạy sau Kinh Thánh..
Khi đọc cuốn này mình có cảm giác như đọc các cuốn Đắc nhân tâm, Quẵng gánh lo đi và vui sống hay Hiểu về trái tim. Kiểu viết gần giống như vậy. Nhưng những cuốn này đọc thì thấy hay nhưng nó vẫn chỉ là nghệ thuật giao tiếp khéo léo, vẫn dừng lại ở bên ngoài, vẫn còn phụ thuộc vào cách ứng xử của bên ngoài mà ta hành sự chứ ta chưa thật vào bên trong để giải quyết vấn đề cốt lõi với chính mình cùng Chúa Giesu. Có thể nói một bên vẫn còn là bề nổi, một bên đã chạm đến phần gốc.
Nếu cần một cuốn sách để giải quyết vấn đề tâm lý cá nhân, cách cư xử với người khác và để phát triển tâm linh mà không biết bắt đầu từ đâu bắt đầu từ cuốn sách này.
Cuốn sách vẫn có giá trị với nhiều vấn đề trong hiện tại của chúng ta. Nếu giáo lý, giáo huấn hơi khô khan thì cuốn sách như dòng nước mát rót nhẹ vào tâm hồn một cách dễ chịu và khôn ngoan giúp ta hiểu được bản chất của nhiều nội dung khó.
Sách giấy có bán tại Nhà sách Đức Bà Sài Gòn

THIÊN ĐÀNG LÀ CHÍNH THA NHÂN - Sơ Emmanuelle



Cuốn sách chạm đến trái tim mình sau một thời gian dài ngủ yên. Ngày xưa mình nghe kể về Mẹ Thánh Teresa Calcutta mà mình muốn đi tu để làm việc như Mẹ. Nhưng mình chọn nhầm dòng, không chuẩn bị tinh thần kỹ và không ở yên một chỗ ngày qua ngày chỉ để cầu nguyện.. Nhưng mình cất mãi mong ước làm một cái gì cho người yếm thế và học thần học. 16 tuổi Chúa đã gieo khao khát này vào lòng nhưng cũng bị cám giỗ quá dữ.
Vì Mẹ Thánh Teresa đẹp quá, hoàn thiện quá! Sơ Emmanuelle bộc trực hơn, thẳng thắn hơn, bướng bỉnh, cứng đầu hơn, và đầy say mê. Nếu lúc 16 tuổi mình cầm cuốn sách này đọc thì chắc mình quyết tâm tu vì ít ra tin rằng nhà dòng nào đó hoạt động tông đồ đã có thể nhận một đứa với tính khí giống như Sơ ấy.
Cuốn sách nói về sơ Emmanuelle viết rất gần gũi, không màu mè, mà thấy cả một khát vọng cho người nghèo. Một con đường tông đồ vì người nghèo ở khu ổ chuột với hai chân dung khác nhau nhưng cùng một tinh thần trong Đức Kito. Đọc xong cuốn sách xong lại kêu lên. Ôi Chúa ơi, Người lại đánh thức trái tim con.

Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

PHÂN ĐỊNH THIÊNG LIÊNG - Phần 1 - Nhận diện thần lành, thần dữ bằng những chuyển động nội tâm

I. Phân định thiêng liêng được hiểu như thế nào?

Discerment dịch sang tiếng Việt là nhận định và phân định. Có nghĩa là: không một phán định chủ quan ("tôi nhận thấy...", "tôi nghĩ...") nào được tiếp nhận ngay nếu như ta chưa quan sát và lắng nghe thực tại, từ đó dựa trên những kinh nghiệm có trước để nhận diện hay phân tích thực tại ấy để tìm ra điểm cốt lõi khách quan của nó, rồi mới đưa ra một phán đoán; cuối cùng còn phải kiểm chứng phán đoán ấy để có được sự chắc chắn khách quan nhất có thể. 

Phân định khôn ngoan (prudental discernment) vận dụng sự sắc sảo của trí khôn và kinh nghiệm từng trải để quyết định theo những tiêu chuẩn nhân loại như thiện ích, lợi nhuận, lẽ phải và công bằng. 


Phân định thiêng liêng (spritual discernment) người phân định không chỉ vận dụng trí khôn ngay chính và lành thánh mà còn đặt mình "dưới sự soi dẫn của Thánh Thần" để truy tìm thánh ý Chúa.

Trong Linh Thao thánh Inhaxio không dùng từ "Phân định thiêng liêng" mà dùng từ "Phân định thần loại" (discernment of spirits) để nói lên cốt lõi của việc phân định là nhận biết nguồn gốc của các tác động của các thần đang tác động trên suy nghĩ, tưởng tượng, cảm xúc, khuynh hướng, ham muốn, cảm xúc của bản thân liên quan đến một thực tại bên ngoài hay trong nội tâm; từ đó cá nhân nhận ra được tiếng nói của Thiên Chúa hay sự thôi thúc của ma quỷ. 

II. Kinh nghiệm Phân định thiêng liêng của Thánh Inhaxio trong Tự thuật.

(Có thể xem thêm về Thánh Inhaxio hoặc đọc thêm Tự thuật thiêng liêng của ngài)

- Nhận thấy những chuyển động nội tâm khi ngài nhận ra có những lôi kéo khác nhau trong tâm hồn mình do tác động của Thần lành và thần dữ khi ngài đọc sách "Cuộc đời Chúa Giesu" và "Những bông hoa thánh thiện" trong thời gian dưỡng thương ở lâu đài Loyola (1521).

- Lối phân định "con lừa" (1522), một lần trên đường ngài không biết phải phân định như thế nào trước việc bỏ qua hay xử đẹp một người có ý xúc phạm đến Đức Mẹ thì ngài dùng con lừa mình đang cưỡi phân định thay bằng việc tháo dây cương ra nó đi theo hướng nào thì quyết định theo hướng đó.

- Phân định dựa trên sự sợ hãi luân lý (1523) vì sợ không giữ được đức khó nghèo và lòng cậy trông vào Thiên Chúa mà ngài để lại đồng xu cuối cùng trên băng ghế trước khi xuống tàu. 

- Phân định dựa trên sự tự do và bình tâm để tìm ý Chúa (1528-1535) 

- Đỉnh cao phân định thiêng liêng (1540) khi dòng được chuẩn nhận và ngài viết Hiến pháp dòng, từng điểm trong đó ngài đều xin ơn phân định thiêng liêng khi cầu nguyện và dâng lễ.

III. Ba chiến lược của kẻ thù (LT 325-326-327)

Kẻ thù: ma quỷ

(1) Kẻ thù sẽ ra yếu nhược khi gặp kháng cự mạnh mẽ chống lại chước cám giỗ, và nó là bạo chúa khi ta để cho nó thắng thế.

(2) Kẻ thù muốn mục đích và hành động của nó được giữ bí mật; nếu những dụ dỗ và cám dỗ của nó được tiết lộ cho cha giải tội hoặc với một vị khác, thì nó biết nó không thể thành công.

(3) Kẻ thù giống như một tướng quân tấn công một pháo đài ở điểm yếu nhất, vì vậy hắn sẽ tấn công người ta với những cám dỗ vào những nhân đức yếu nhất.

IV. Những ghi chú giúp nhận ra, phán đoán về những bối rối do xúi giục của kẻ thù (thần dữ) (LT 345-351)

1. Khi ta tự cho là có tội một điều không phải là tội. Do thần dữ dựng nên làm ta bối rối mà không sinh ích cho mình

2. Cảm thức nữa tin nữa ngờ, chính nó mới là bối rối và chước cám dỗ kẻ thù bày ra. Người mới hoán cả có thể làm họ ý thức về tội mà rời xa đàng tội lỗi.

3. Kẻ thù thường xem xét coi linh hồn thô thiển hay tế nhị. Nếu tế nhị, nó làm cho tế nhị hơn nữa, tới mức thái quá, gây nhiều lo lắng. Nếu linh hồn thô thiển, nếu trước linh hồn coi nhẹ các tội nhẹ, nó cố xui cho coi thường cả tội trọng, nếu linh hồn có kiêng nể chút ít, thì có cố xui cho coi thường hơn nữa.

4. Linh hồn muốn tiến tới trong đàng thiêng liêng phải xử sự ngược lại với sự cám dỗ của kẻ thù, nghĩa là nếu kẻ thù muốn làm cho linh hồn ra thô thiển hơn thì phải gắng trở nên tế nhị hơn. Nếu kẻ thù muốn làm cho linh hồn tế nhị thái quá, thì linh hồn phải gắng giữ trung dung để được bình an hoàn toàn.

5. Đôi khi linh hồn ngay lành muốn nói hay làm điều gì đẹp lòng Chúa, nhưng bị đưa tới cám dỗ xui đừng nói hoặc làm điều ấy, thì phải hướng lòng lên cũng Chúa và hành động ngược lại với chước cám dỗ, trả lời nó như Thánh Benado: “không phải mày mà tao bắt đầu, cũng chẳng vì mày mà tao chấm dứt”.

VI. Quy tắc để nhận biết những thúc đẩy khác nhau trong linh hồn, điều tốt để đón nhận và điều xấu để loại bỏ

(Phù hợp cho tuần thứ 1 của Linh Thao hoặc Linh hồn đang trong giai đoạn hoán cải, ăn năn)

Thần lành: Thiên Chúa và các thiên thần của Người

Thần dữ: ma quỷ

1: Đối với những người sa ngã hết tội trọng này đến trọng tội khác, kẻ thù thường quen bày cho họ những vui thú bên ngoài để dễ cầm giữ và thúc đẩy họ tiến sâu vào thói hư và tội lỗi. Lúc đó thần lành thôi thúc cho lương tâm cắn rứt họ.

2: Những người tiến trên đường ngay lành thì lại ngược lại. Lúc đó thần dữ tạo ra những chướng ngại bằng cách gây băn khoăn lo lắng giả để người ra khỏi tiến tới, còn thần lành là làm cho cam đảm và sức mạnh, an ủi, nước mắt ăn năn, ơn soi sáng và bình an, giảm bớt các trở ngại để cho người ra tiến lên trong đàng lành.

3: An ủi thiêng liêng là linh hồn được thúc đẩy nội tâm, khiến linh hồn bừng cháy lửa kính mến Thiên Chúa hơn mọi sự hoặc thấy Chúa trong các thọ tạo. Đó cũng là trường hợp linh hồn chảy nước mắt giục lòng mến Chúa, hoặc bởi đau đớn vì tội lỗi mình, hay vì sự thương khó của Đức Kito hay vì những điều khác hướng về sự phụng sự và ca ngợi Chúa. Làm gia tăng lòng tin-cậy-mến, cùng mọi niềm vui về những sự trên trời và phần rỗi riêng của linh hồn mình, làm cho linh hồn được nghỉ ngơi và an bình trong Thiên Chúa.

4: Sự sầu khổ thiêng liêng là sự tối tăm trong linh hồn, xao xuyến bên trong, thôi thúc những gì thấp hèn và phàm tục, lo lắng, xúi ta mất tin tưởng, trông cậy, lòng mến Chúa; linh hồn cảm thấy lười biếng, khô khan, buồn sầu vì như bị lìa xa Thiên Chúa.

5: Trong thời gian sầu khổ, đừng bao giờ thay đổi những quyết định đã có trước đó (lúc được ơn an ủi), phần nhiều là thần lành hướng dẫn, khuyên nhủ ta thế nào thì trong cơn sầu khổ, thần dữ cũng làm như vậy. Đừng theo lời khuyên của nó, nó sẽ làm ta lạc lối. 

6: Trong cơn sầu khổ nên chống lại với cơn sầu khổ ấy, chẳng hạn bằng cách chăm chú cầu nguyện, suy gẫm hơn, xét mình nhiều hơn và gia tăng sự hãm mình để không ngã theo sự dữ.

7: Đang gặp sầu khổ, ta hãy nghĩ rằng để thử luyện ta, Chúa đã để ta với sức tự nhiên chống trả cám dỗ của kẻ thù; ta vẫn có thể chống trả được. Vì Chúa ân sủng mạnh mẽ đi nhưng vẫn để lại ân sủng để để giúp ta vượt qua.

8: Đang cơn sầu khổ gắng giữ sự nhẫn nại, nếu hết sức chiến đấu với cơn khổ ấy.

9: Có ba nguyên do chính khiến ta gặp sầu khổ:

-        Thứ nhất: Lỗi ta mà sự thiêng liêng lìa bỏ ta như thiếu lòng yêu mến, lười biếng hay chểnh mảng.

-        Thứ hai: Chúa thử coi sức ta tới đâu;

-         Thứ ba: Để ta nhận thức mọi sự ân sủng ta nhận được đến từ Thiên Chúa, đừng tự đắc đến trở thành kiêu ngạo, khoe khoang.

10: Khi được ơn an ủi dành lấy sức cho cơn sầu khổ có thể đến sau đó

11: Ai được an ủi, phải tự khiêm hạ chừng nào có thể. Người lâm cơn sầu khổ phải nghĩ mình có thể làm được gì nhiều nhờ ơn Cháu trợ giúp.

VI. Quy tắc về cùng một vấn đề để phân biệt các thần rõ hơn (LT328-336)

(Phù hợp cho tuần thứ 2 của Linh Thao hoặc khi Linh hồn đã chọn theo hướng ngay lành, kẻ thù đến dùng những thúc giục tốt lành để dẫn dụ)

1: Chúa và các thiên thần khi soi giục làm bạn sự sảng khoái, vui vẻ thiêng liêng thật, xóa bỏ mọi buồn sầu và xao xuyến do kẻ thù đưa vào. Còn kẻ thù là chống lại niềm vui, an ủi thiêng liêng bằng cách đưa ra những lý do giả tạo và ngụy biện.

2: Chỉ có Thiên Chuá ban an ủi cho linh hồn mà không cần có nguyên do trước; là vào ra, đánh động linh hồn, lôi cuốn linh hồn vào lòng yêu mến Ngài. Sự an ủi phát sinh do tác động của trí tuệ và ý chí.

3: Khi có nguyên do, thần lành cũng như thần dữ đều có thể an ủi linh hồn những nhằm mục đích trái ngược nhau: thần lành nhằm mưu ích cho linh hồn, để nó lớn lên và ngày càng tốt lành hơn còn thần dữ rồi lôi cuốn linh hồn theo ý xấu xa tồi tệ.

4: Thần dữ là giả dạng thần lành đi vào chiều hướng của linh hồn để rồi kéo linh hồn theo đường của nó; nó bày ra những tư tưởng tốt lành thánh thiện hợp với tâm hồn công chính, rồi lần lần lôi kéo linh hồn ra theo những mưu mô ẩn kín và những ý tồi tệ của nó.

5: Cần chú ý diễn biến của tư tưởng. Nếu từ đầu đến cuối đều tốt, hướng hẳn về đường lành, là dấu hiệu của thần lành. Nếu tư tưởng đưa ta tới điều xấu hoặc lo ra, không được tốt như điều trước đó linh hồn đã định làm hoặc giảm bớt đi, khiến ta lo lắng, bối rối, mất sự bình an, yên tĩnh đã có từ trước đó, đó là dấu hiệu rõ ràng điều ấy bởi thần dữ.

6: Khi đã nhận ra kẻ thù bởi cái "đuôi rắn" của nó và sự xấu xa nó muốn đưa tới, thì người bị cám dỗ nên duyệt lại diễn biến của những tư tưởng tốt nó bày ra trước đó; nhờ nhận biết và ghi lại những kinh nghiệm đó, ta sẽ giữ mình cho khỏi những dối trá của nó.

7: Đối với những người đang tiến tới, thần lành soi dẫn linh hồn cách êm ái, nhẹ nhàng và dịu ngọt, như giọt nước thấm vào miếng bọt biển; còn thần dữ thì thúc đẩy cách chát chúa, ồn ào và sôi động, như giọt nước rơi trên đá. Với những người sa sút thì các thần nói trên hành động ngược lại. Lý do là tùy theo tình trạng của linh hồn trái ngược hay hòa hợp với các thần nói trên, vì khi trái ngược thì các thần xâm nhập cách ồn ào, dễ cảm thấy và nhận ra, còn khi hòa hợp các thần ấy xâm nhập lặng lẽ như vào nhà mình, cửa mở.

8: Khi an ủi không có nguyên do thì không có cạm bẫy, vì đó là ơn của riêng Thiên Chúa. Phải tỉnh thức. Trong thời gian tiếp sau ấy, nhiều lúc ta tự mình suy nghĩ theo tư tưởng và suy luận riêng hoặc do ảnh hưởng của thần lành hay thần dữ. Trước khi quyết định cần xét xem thật kỹ trước khi hoàn toàn tin tưởng ở những điều ấy và đem ra thực hành.

______________

Sách tham khảo: 

1. Linh Thao - Thánh Inhaxio 

Đây là một tập sách nhỏ nhưng giá trị lớn. Đó là những nguyên tắc, phương pháp thực hành Linh thao của chính Thánh Inhaxio viết ra cho chính ngài trên con đường ngài ấy đi tìm kiếm Thiên Chúa. Đây là cuốn sách chính mình rút ra những thông tin về phương pháp phân định thần loại của ngài.

2. Tự thuật thiêng liêng của Thánh Inhaxio (link)

Thánh Inhaxio kể lại trong nhật ký của ngài về cuộc hoán cải đi tìm gặp Chúa. Nổi trội nhất là phương pháp Phân định trong kinh nghiệm cá nhân của mình.

3. Phân định thiêng liêng - Tạp chí I-Nhã Dòng Tên Việt Nam

Cuộc sách là tập hợp nhiều bài viết về Phân định Thiêng liêng dựa trên sách Linh thao của Thánh Inhaxio để làm rõ thêm về phân định, những ghi chú trong tập sách Linh Thao.

4. Phút hồi tâm Tìm gặp Chúa trong mọi sự - Timothy M.Gallagher, O.M.V


Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

Từ việc leo từng bậc thỏa mãn những nhu cầu của mình đến trở thành một cái phễu

Hình tam giác bên dưới là tháp nhu cầu 8 bậc của Maslow. Ai từng học kinh tế, tâm lý sẽ biết về tháp này. Đây là những nhu cầu của con người trong cuộc sống. Ở đâu đó chúng ta vẫn bị mắc kẹt ở một số bậc của tháp này.


Có người loay hoay với cơm-áo-gạo-tiền, nhu cầu tính dục.
Có người mãi vẫn không thể tìm thấy sự an toàn.
Có người mãi tìm kiếm tình thương từ người khác mà không được đáp trả.
Có người tìm kiếm sự tôn trọng, ghi nhận.
Có người tìm kiếm tri thức và sự khôn ngoan.
Có người tìm kiếm cái đẹp.
Có người tìm cách định vị bản thân, rồi lắm lúc mắc vào cái tôi kiêu ngạo.
Có người đã từng tự hỏi "Tôi là ai?" "Tại sao tôi ở đây?" "Con sinh ra như thế nào vậy?" Đó không phải câu trả lời dễ trả lời và không phải ai cũng biết.. và nhiều khi khó quá nên bỏ qua.
Vì thường chúng ta được dạy dỗ nên bắt đầu với nhu cầu thấp nhất. Khi lạc trong những nhu cầu này, người ta bắt đầu gắn mình với nó, đồng hoá với nó, xem nó là mình và dần quên đi chính mình. "Nếu ... thì tôi mới vui, mới hạnh phúc". Khi người ta không thấy bình an với mình nữa họ đi tìm kiếm tình thương nơi người khác, họ đến với cộng đồng chỉ để có ai nghe họ, nói chuyện với họ, quan tâm với họ chứ họ không thể ổn khi một mình hay nơi đó họ được thừa nhận. Đủ tổn thương rồi chúng ta mới học cách nhận thức/phân định và nhìn mọi thứ như-nó-là và chữa lành trái tim mình để bước tiếp. Nhưng bước khó nhất là tự vượt qua chính mình, vượt qua tính tự mãn của bản thân. Đó cũng là rào cản lớn nhất trong tương giao với người khác và Đấng Tạo Hoá trong tim họ. Sau nhiều năm không chi lấp đầu sự trống rỗng trong ta, ta ra đi trong sự uất giận về cuộc đời. Nếu mọi thứ kết thúc như vậy thì hơi tiếc nhỉ?
Thử xoay ngược tháp lại nhé! Chúng ta thường thích ôm hôn một đứa trẻ vì chúng mang vẻ đẹp của một thiên thần. Trẻ con là hiện thân của gì đó thanh khiết, tốt lành. Trẻ con đến thế giới để dạy người lớn bài học về nhân đức, vẻ đẹp của trái tim. Chúng đã bắt đầu ở điểm cao nhất của tháp nhu cầu Maslow. Trẻ con vẫn hay hỏi "con sinh ra từ đâu".. Nếu gieo cho trẻ ý thức về điểm bắt đầu của nó trong tình yêu, thì cuộc đời nó sẽ có một điểm tựa vững chãi. Sẽ có một lúc nào đó nó nghi ngờ về điều nó tuân giữ sao không giống những người khác và nó muốn trở nên giống họ để dễ hoà nhập. Lúc đó nó cần một người thầy. Không ít người vì thiếu người thầy chân chính mà lạc lối. Hoặc ở một lúc nào đó trong "đêm tối" cuộc đời của mình ta thấy mình đã đặt nhầm "điểm tựa", hiểu ra rằng bấy lâu mình đã giới hạn, cô lập mình trong những nhu cầu bởi sự đòi hỏi không ngừng của thân xác này. Chỉ có Sự Vô Hạn của Đấng Tạo Hoá và tình yêu của Người mới lấp đầu trái tim rộng lớn của ta, bất cứ sự giới hạn nào cũng gây đau khổ. Vòng lặp này xảy ra bất tận cho đến khi nào ta tỉnh ngộ mới thôi. Nỗi đau thường đến như một bài học để thức tỉnh.
Khi đến với "điểm tựa" bất biến này mọi thứ ta xây trên đó là xây trên đá tảng. Ta bắt đầu hiểu về mình, muốn làm nhẹ mình. Ta bắt đầu nhìn thấy sự thật bấy lâu bị che dấu trong sự hỗn độn thì nay thật rõ ràng. Ta được học biết khả năng phân định, lắng nghe, quan sát mọi thứ xảy đến, nhìn nhận mọi sự trong hiện tại, đưa ra phán đoán và kiểm chứng lại các phán đoán để biết sự linh hướng. Lúc đó ta trở thành một cái phễu, màng lọc để mọi thứ đi qua mình trở nên thanh khiết cho mình và người khác. Thay vì trước đây ta tìm kiếm tìm thương của người khác thì bây giờ ta trao ban. Dù họ có làm gì ta thì ta vẫn trung dung, ta không bị vướng vào cảm thức được ghi nhận, được trả ơn, hay cần ai đó phải thương ta. Sự đau khổ có đến là cơ hội để thanh tẩy và luyện mình nên khiêm nhường hơn. Cơm ăn, áo mặc, tiền bạc trở thành những phương tiện và những tên đầy tớ. Tính dục cũng như vậy. Và thường những người này họ không cảm thấy thiếu những thứ đó, họ không còn bị vướng mắc vào nó nữa, tự họ biết đủ.
Thay vì trước đây ta lo rất nhiều việc bây giờ ta chỉ lo có một việc quan trọng, là nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng cầu nguyện, hướng thượng, rèn luyện các nhân đức để kết hợp trong Đấng Tạo Hoá. Ta được no thoả, tâm hồn ta được tất cả những gì nó mong đợi mặc dù nó không đòi hỏi chi cả. Thật ra đó cũng là cuộc lội ngược dòng với những trở lực đã "nuôi nấng" ta bấy lâu nay. Không phải ở bậc sống tu trì, lách mình khỏi thế gian ta mới làm được. Chúng ta dấn thân, hết mình với thế gian nhiều nhất nhưng thuộc về thế gian ít nhất.
Từ một đời rối rắm trở nên một cuộc đời đơn giản, như trẻ con, như gió, như mây trời, như nắng mai.. chỉ cần thay đổi lại "điểm tựa" đời mình. Rồi ta được tái sinh lại một lần nữa như một em bé để bắt đầu cuộc hành trình mới.