Trang

Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2021

Ra khỏi ảo ảnh




Khi ta ra khỏi lớp màn. Ta biết rằng:

Ta không là những gì ta đang mang lấy, không áo quần, không tiền bạc, không vật chất.
Ta không là cảm xúc, không vui, không buồn, không hờn, không ghét.
Ta không là suy nghĩ, không phải kiến thức, không phải lập luận, không đúng không sai.
Ta là không, không là ta. Một linh hồn thong dong có ý muốn nên ta tha hồ nghịch đời ta theo ý muốn của mình.
Ta đến đây để chơi đủ trò game. Game công việc đóng đủ vai trò trong công ty, game tình cảm mùi mẫn, game trí tuệ- đọc thể loại sách trên đời rồi lý luận đủ kiểu, game xã hội- tham gia cùng người khác đủ các loại drama
.. chơi chán rồi, hết vui rồi, ta được Cha ta gọi về.
Về với Cha ta, ta không là bất cứ trò gì mình đã chơi. Ta vui, ta hân hoan, ta bình an vì ta là ta thôi.
Đó là giai đoạn thơ ấu, niên thiếu của 1 linh hồn.

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2021

Dành lại quyền làm chủ tâm trí


Xuất phát từ niềm tin: trí óc nên thông minh hơn nếu để nó luôn vận động. Nhưng, nó lại là cái bẫy của bạn khi bạn không quan sát xem nó đang nghĩ gì. Những thứ ta nghĩ không phục vụ cho bình an, sự khôn ngoan thật sự thì nó chỉ là "rác", lâu ngày nó đi dần vào tiềm thức. Dồn đủ khối lượng thì đến 1 ngày nó tạo ra sự "sụp đổ" đầy đau đớn bên trong ta. Trữ lượng rác càng nhiều và khó tiêu hủy thì hành trình thanh lọc, thức tỉnh càng khó khăn hơn.

Dành lại quyền làm chủ tâm trí không phải chiến đấu với suy nghĩ, càng không phải phán xét nó, không bám theo nó mà chỉ cần biết nó tồn tại, là quan sát nó. Đây là tiến trình cần thời gian, kiên nhẫn, nhận thức đúng về nó. Mình gọi đó là tĩnh tâm, canh thức với suy nghĩ hay thiền chánh niệm, không phải thực hành 1h, 2h/ngày mà là 16h/ngày trừ thời gian ngủ.
Cách thực hành: Bạn để ý đến hơi thở của mình với nhịp thở 4-4 nếu tâm trạng bạn đang bình thường hay 6-3-9 (hít vào 6 nhịp, giữ 3 nhịp, thở ra 9 nhịp) nếu bạn đang stress. Mỗi lần hít thở thật sâu nghe bụng phình lên và xẹp xuống. Lúc đó những suy nghĩ bắt đầu xuất hiện trong đầu bạn, rất nhiều, bạn chỉ biết nó tồn tại đừng bám vào nó thì nó tự biến mất, hết suy nghĩ này đến suy nghĩ khác cứ tiếp nối nhau. Bạn chỉ nhận biết nó và trở về hơi thở. Nếu bạn bị cuốn đi thì trở về với hơi thở ngay khi bạn nhận biết ra. Hơi thở là bạn đồng hành của bạn. Khi làm bắt cứ chuyện gì ta biết đúng việc đó thôi. Ăn biết mình ăn, uống biết mình uống, không phải vừa ăn vừa lo đến covid giờ bao nhiêu ca rồi ta. Lúc mình làm việc cần suy nghĩ thì nghĩ đúng việc cần nghĩ, nếu nghĩ chưa thông, không nghĩ nữa quay về với hơi thở và tiếp tục quan sát suy nghĩ đang hiện ra. Lúc nào cũng ý thức được sự hiện diện của mình ở hiện tại, luôn luôn.
Với cách này ta không sản sinh thêm những suy nghĩ mới không cần thiết bằng việc diễn giải nó. Nó sẽ giúp mình cắt được suy nghĩ mình là nạn nhân.
Với cách này ta ý thức được suy nghĩ khởi phát trong tâm trí mình là nguyên nhân làm ta stress, nguyên nhân của tổn thương cảm xúc.
Với cách này ta ý thức được những thứ ta nhận về mình; nếu đó không vui, không bình an, không nhận; ngăn mình dung nạp những gì tiêu cực từ môi trường xung quanh, báo chí, tivi, từ mạng xã hội.
Với cách này ta tập cho mình thói quen nhìn mọi việc xảy ra như-nó-đang-là chứ không phải như ta diễn giải bằng thế giới quan đang lầm lạc của mình.
Với cách này tăng thêm tình yêu thương cho bản thân mình. Mình ý thức được mình đang dọn rác, cớ gì nhận thêm rác nữa. Ta tự thấy thương bản thân và quyết dọn cho sạch để bản thân được an yên vui vẻ mỗi ngày.
Với cách này mỗi ngày ta có thêm 1 khoảng-không-bình-yên. Khoảng không này càng rộng thì khi một hành động, thái độ tiêu cực của ai đó nhắm vào mình mình có không gian, bình an và chỗ để chịu đựng được (chịu là chấp nhận nó, đựng là sức chứa) và chuyển hoá nó trước khi cho cảm xúc có cơ hội bùng lên thành cơn giận.
Với cách này ta dần sống ở hiện tại và ý thức việc thỉnh thoảng tâm trí thoái về quá khứ để lôi lại chuyện cũ để buồn hay tiến về tương lai để kiếm chuyện mà lo lắng.
Bài tập này là tính bằng số năm, có người ít rác thì ít năm hơn so với người khác. Sẽ có 1 số khoảnh khắc tỉnh thức ngắn xảy đến với bạn. Mỗi người mỗi khác. Nó là sự bình an, sự mãn nguyện, vui vẻ, sự hân hoan, 1 sự hạnh phúc ngất ngây mà mình chưa từng biết đến trước đây. Nó làm bạn muốn trở lại nhiều lần.
Thực hành mỗi ngày ta sẽ thấy nhẹ nhàng hơn chút, vui hơn chút, khả năng làm chủ cảm xúc tốt hơn chút, nhận định vấn đề tốt hơn chút, ngủ ngon hơn chút, xinh đẹp hơn chút, dễ ăn hơn chút, thong dong hơn chút.. là những tín hiệu bạn đang dịch chuyển đúng hướng. Nếu thỉnh thoảng bạn tự nhiên dễ khóc, đau rất đau, nỗi khùng vì 1 chuyện rất bé.. thì cũng đừng lo, rác của tiềm thức ở dưới sâu đang đẩy lên. Nhận biết nó như thế, tiếp tục chuyển hoá rồi bạn sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường rất nhanh. Nếu lúc trước mình buồn vài ngày thì giờ còn vài giờ hay còn vài phút.
Chúc bạn sớm hạnh phúc thường xuyên, luôn luôn mỗi ngày!

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

Nuôi dưỡng ngọn lửa bên trong bạn


Bạn đang ở đâu?

1. Đặt tên cho những tổn thương
Những điều gây đau nhói cho tôi nay tôi đã nhìn rõ và gọi tên chúng. Tôi sẵn sàng đối mặt 1 lần nữa.
2. Tôi đang tìm thấy sự an toàn
Tôi đi qua lớp ảo ảnh ấy, tôi thấy an toàn để là chính mình.
3. Tôi đang tập hợp các nguồn lực
Nếu bạn theo đạo nào hãy trở về với vị thầy tâm linh của mình, nếu không theo đạo nào thì vũ trụ/thượng đế là thầy của bạn. Nói chuyện với họ. Hiểu biết về sự khiêm tốn cũng mình, thừa nhận những yếu đuối của ta, nhờ họ nâng mình dậy. Hãy thực hành những phương pháp bạn biết. Bạn biết đến thiền/tĩnh tâm, thì tập như vậy. Bạn biết cầu nguyện, hãy làm như vậy nhưng đừng xin để cất đi thử thách này hãy xin để nên dũng cảm, biết chấp nhận, biết tha thứ. Nếu bạn có những Self-care challenge cho mình, hãy thực hành. Nếu bạn biết đến Yoga, hãy thực hành. Bạn cho thể chăm sóc cây, thú cưng, đi bộ 1 mỗi ngày.. hãy làm như vậy. Nếu bạn nghĩ ra điều gì làm bạn thoải mái, dịu dàng hơn, vui vẻ hơn, gần với tự nhiên hơn, hãy làm như vậy.
Nói với chính mình rằng: đây là thời gian dành cho chính tôi. Cậy vào nội lực của mình và ân sủng của Thượng đế. Đừng tìm sự viện trợ bên ngoài. 1 nơi tĩnh lặng cần cho chúng ta.
4. Tôi quyết định đi 1 con đường khác
Đơn giản là giữ thinh lặng hầu hết thời gian có thể, dành thời gian cho mình! Biết đến những gì đang ở trong đầu mình. Biết cảm xúc của mình. Biết những nhu cầu bản thân bạn không tự đáp ứng cho mình nên ta vẫn còn đòi hỏi ở người khác. Biết đến khao khát hướng thượng của linh hồn mình, những giá trị nhân phẩm của mình- chính nó đã nhiều lần nâng mình dậy những lúc khó khăn. Tôi quyết định hợp nhất chính bản thân mình.
5. Xác định lại "tình yêu". Tình yêu đích thực là gì? Sao mình chưa biết trước đây?
Trải nghiệm lại tình yêu vô điều kiện bằng những thứ rất đơn giản xung quanh mình. Ngắm nhìn thiên nhiên, có biết bao thứ quý giá dành cho bạn hoàn toàn miễn phí, không cần bạn trả ơn, dù bạn từng làm hại nó nó vẫn phục vụ bạn. Ví dụ: cơ thể bạn.
Nếu bạn là Kito hữu, lặng im nghe Chúa nói: Thánh giá ta mang vì ai?
6. Chăm sóc sức khoẻ bản thân
7. Cho phép những tổn thương ra đi và thôi sống ở quá khứ
Tha thứ cho bạn sẽ giải thoát bạn. Tha thứ cho người lầm lỗi với bạn cũng giải thoát bạn.
8. Chấp nhận, dịch chuyển đến hiện tại
Biết mình trong từng phút từng giây ở hiện tại. Bạn có thể tập thiền chánh niệm. Bạn có thể tĩnh tâm. Nếu thiền 1h/ngày 23 tiếng còn lại bạn khuấy động tâm trí mình bằng những suy nghĩ tiêu cực thì có vẻ không ổn. Mình muốn nói là 24h, ngoài 8h ngủ ta luôn quan sát tất cả những gì mình nghĩ trong đầu. Canh thức luôn luôn với tâm trí, kéo nó về hiện tại ngay khi nó nó ý định thoái về quá khứ hay tiến vào tương lai.
9. Nuôi dưỡng ngọn lửa bên trong bạn
Nuôi dưỡng lòng biết ơn
Nuôi dưỡng đức khiêm tốn, chính nó sẽ giữ bạn không trở lại con người cũ. Cũng chính nó giữ bạn bình yên trước sự dụ dỗ của cái tôi tâm linh hay thầy tâm linh giả mạo.
Nuôi dưỡng các nhân đức của mình. Tự biến tâm hồn mình thành mảnh đất màu mỡ cho những hạt giống tốt.

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

Vinh danh Tình yêu!


Tình yêu thương thuần khiết, tình yêu thương vô điều kiện, tình yêu đích thực. Chính nó chứ không thứ gì khác, là sự chữa lành, là dòng nước mát, là thức ăn, là cái để mặc, là gối tựa đầu, là con đường, là bắt đầu là cùng đích.

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2021

Chương trình phục hồi 12 bước

Sau khi nhận định được những tổn thương bên trong, thì đã đến lúc ta cần sức mạnh để vượt qua. Đây là 12 bước của chương trình hồi phục - dựa trên 12 bước hồi phục của AA (Hội những người nghiện rượu ẩn danh). Phương pháp này được áp dụng trong điều trị tâm lý, điều trị các chứng nghiện, sang chấn tâm lý.

Dưới đây là 12 bước mình đã viết lại để đọc những lúc đối diện lại với tổn thương của mình. Những lúc bạn không đủ mạnh mẽ, những lúc bạn đau khổ khi giáp mặt lại với bản thân hãy đọc nó. Cầu nguyện, đọc mỗi ngày trong ít nhất 21 ngày (nếu bạn không phải người Công Giáo), chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho sự chữa lành của bạn, dù là tổn thương sâu sắc đến đâu.
____________________________
1. Tôi thừa nhận rằng mình không đủ sức mạnh để vượt qua sự đau buồn và cảm xúc của bản thân (điều mà tôi đã bỏ mặc từ lâu) và tôi làm cho mình không vui vẻ tích cực.
2. Tôi tin rằng có một Đấng Tối Cao vĩ đại có thể giúp mình lấy lại sự tỉnh táo.
3. Tôi quyết định phó thác ý chí, cuộc đời mình cho Thiên Chúa với 1 lòng yêu mến Người.
4. Tôi luôn xét mình để biết rằng mỗi ngày tôi đã hành động, suy nghĩ và có cảm xúc tốt hơn một cách cam đảm và thấu đáo.
5. Tôi thú nhận với Người, với bản thân mình và với những người lắng nghe tích cực, thấu hiêủ về bản chất những hành động sai lầm của mình.
6. Tôi hoàn toàn để cho Đấng Tối Cao gạt bỏ đi hết những khiếm khuyết trong tính cách.
7. Tôi khiêm tốn nhờ Người xóa bỏ những khiếm khuyết của mình
8. Tôi sẵn lòng nhìn nhận và sửa chữa những thiếu sót của mình
9. Tôi đền bù cho người mà tôi đã làm tổn thương họ vào bất cứ nơi nào có thể, trừ trường hợp điều đó sẽ làm tổn thương họ hoặc những người khác.
10. Tôi tiếp tục cầu nguyện, tự xét mình, xin ơn tha thứ chữa lành bất cứ khi nào, đặc biệt khi thấy mình trở lại cái tôi cũ.
11. Tôi tin vào cầu nguyện và thiền để tăng cường kết nối nhận thức với Thiên Chúa của tôi, vì Người luôn ở đó cùng tôi, tôi cầu nguyện để hiểu rằng ý chí của Người dành cho tôi và Người sẽ giúp tôi thực hiện điều đó.
12. Tôi được đánh thức về mặt tâm linh qua các bước này, tôi sẽ vượt qua, và đến gần từng ngày với con người thánh thiện của mình. Qua trải nghiệm bản thân này tôi sẽ giúp những người như mình, các thành viên gia đình, những đứa con của mình sau này và có 1 cuộc sống hạnh phúc viên mãn.

Ảnh pinterest

"Tên phản bội" ta đã nhìn thấy ngươi!




Khi con người ta quay lại với chính mình, đi trong bóng đêm của chính mình người ta nhận ra mình chưa thật sự hiểu biết về mình. Chúng ta nhận ra trước đây mình ở trong cái mình gắn cho mình, chứ chưa phải mình thật sự. Sự cam đảm đối diện lại với bản thân là đi qua lớp màn ấy, đối diện lại với sự bất toàn, yếu đuối. Khi lấy ra khỏi mình cái màn che ấy, không còn cái gì che đậy cho sự yếu đuối nữa ta sẽ là chính ta.

Ta chẳng cần cái tôi để bảo vệ, để che lấy mình, để bảo vệ nhưng không phải bảo vệ, vùi lấp trong vai trò bảo vệ. Cái tôi luôn tìm cớ để nó tồn tại, cái cớ đó thường là:
"bạn chưa đủ tốt",
"bạn cần tôi bảo vệ bạn",
"bạn cần được đánh giá đúng",
"bạn đáng được coi trọng hơn",
"tôi sẵn sàng ăn miếng trả miếng cho ai đụng vào bạn",
"đừng để ai ức hiếp bạn",..

Lý do nào cũng phải lẽ cả. Bởi, xưa nay ta tự đóng khung mình trong 1 cái hộp nhỏ mà tự huyễn hoặc mình, ta biết ta vậy là đủ rồi, ta biết người thân ta vậy là đủ rồi. Cái khung đó là cái tôi, là cách ta nhìn cuộc đời này bằng những kiến thức, nhìn bằng các giác quan, kinh nghiệm, những định kiến hạn chế. Ta không mảy may tự chất vấn mình vì cũng thấy ai cũng vậy cho đến khi ta không thấy hạnh phúc nữa, và bắt đầu thấy sự trống rỗng và ngột ngạt với chính mình. Ta bắt đầu đặt câu hỏi và đi tìm lời giải đáp..
Ôi! Lạy Chúa, một mình con sao có thể lội ngược dòng?
Lạy Chúa một mình con sao có thể chiến đấu với ba thù. Lạy Chúa mến yêu xin cho con được ở cùng Ngài, cậy dựa vào Ngài để con lội ngược dòng đến với Người.

Maria Hồng Phúc

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

TỔN THƯƠNG, ÂN SỦNG VÀ SỨC MẠNH CỦA CHÚNG TA ĐỂ CHỮA LÀNH CHO NGƯỜI KHÁC (RON ROLHEISER, OMI)

Cách đây gần năm mươi năm trước, Linh mục Henri Nouwen viết quyển sách có tựa đề "Người bị tổn thương (là người) chữa lành" (The Wounded Healer) (Ghi chú thêm: tựa sách theo bản dịch tiếng Việt của dịch giả An Nguyễn - Người đã mang thương tích để chúng ta được chữa lành) Thành công của quyển sách đã làm cho ngài thành một trong các nhà lãnh đạo thiêng liêng thiêng liêng độc đáo và đã trở thành một trong những nhà văn tâm linh có ảnh hưởng nhất trong nửa thế kỷ qua. Điều gì đã làm cho các bài viết của ngài trở nên mạnh như vậy? Sự lỗi lạc của ngài? Tài năng diễn tả? Đúng, ngài có năng khiếu nhưng nhiều người khác cũng có. Điều làm cho ngài trở nên khác biệt, ngài là người bị tổn thương sâu đậm và từ nơi lo âu cùng cực nội tâm của mình, ngài tuôn ra những lời có thể chữa lành cho hàng triệu người.

Điều này hoạt động như thế nào? Làm thế nào để vết thương của chúng ta giúp chữa lành người khác? Đây không phải là trường hợp này. Không phải các tổn thương của chúng ta giúp chữa lành người khác. Ngược lại, những tổn thương của chúng ta có thể tô màu cho ân sủng và tài năng của chúng ta theo cách để chúng không còn tạo phản kháng và ghen tị nơi người khác nữa, thay vào đó chúng trở thành những gì Chúa muốn chúng trở thành, những món quà để làm cho người khác được ơn ích.
Nhưng đáng tiếc, điều ngược lại cũng lại đúng. Các ân sủng và tài năng của chúng ta thường lại là lý do làm chúng ta thành người không được yêu mến, thậm chí còn có thể bị ghét. Có một động lực đáng chú ý ở đây. Chúng ta không tự động và cũng không dễ dàng để các ơn của người khác mang đến ơn ích cho mình. Thông thường, chúng ta miễn cưỡng công nhận nét đẹp và sức mạnh của chúng, cùng lúc chúng ta chống lại và ghen tị với những người có các ơn này. Đó là một trong những lý do làm chúng ta khó có thể đơn giản ngưỡng mộ ai đó.
Nhưng sự miễn cưỡng này nơi chúng ta không chỉ nói lên điều gì đó về chúng ta. Thường thì nó cũng nói lên điều gì đó về những người có được các món quà đó. Tài năng là một chuyện không rõ ràng, nó có thể được dùng để khẳng định bản thân, để tách mình ra khỏi người khác, để trở nên nổi bật và đứng trên, hơn là món quà để giúp đỡ người khác. Tài năng của chúng ta có thể được dùng đơn giản để tỏ ra mình xuất sắc, có tài, ưa nhìn và thành công đến như thế nào. Sau đó, chúng đơn giản trở thành sức mạnh nhằm làm lu mờ người khác để chúng ta nổi bật.
Làm thế nào chúng ta có thể biến tài năng của mình thành món quà cho người khác? Làm thế nào chúng ta có thể được yêu mến vì tài năng thay vì bị ghét bỏ vì chúng? Đây là điểm khác biệt: chúng ta sẽ được yêu mến và ngưỡng mộ vì những món quà của mình khi những món quà này được tô màu bởi các tổn thương chúng ta để người khác không nhìn chúng như mối đe dọa hoặc một cái gì làm chúng ta trở nên khác biệt, nhưng là một món quà gởi đến họ trong các khuyết điểm của chính họ. Khi được chia sẻ theo một cách nào đó, các món quà của chúng ta có thể trở thành quà tặng cho mọi người.
Và đây là cách thức hoạt động của bài toán này: Những món quà chúng ta nhận không phải cho chúng ta mà cho người khác. Nhưng, để được như vậy, chúng cần được đượm màu bởi lòng trắc ẩn. Chúng ta đến được với lòng trắc ẩn khi để cho các vết thương trở nên thân thiện với những món quà của chúng ta. Đây là hai ví dụ.
Khi Công nương Diana qua đời vào năm 1997, có một làn sóng yêu thương tràn ngập. Vừa theo cảm tính và là một linh mục công giáo, tôi thường không than khóc cho những người nổi tiếng, nhưng tôi cảm nhận một nỗi buồn và tình yêu sâu đậm cho người phụ nữ này. Tại sao? Vì Diana xinh đẹp và nổi tiếng? Không phải vậy. Nhiều phụ nữ đẹp và nổi tiếng lại bị ghét vì chuyện này. Công nương Diana được rất nhiều người yêu mến vì bà là người bị tổn thương, người mà các tổn thương tô đậm thêm cho sắc đẹp và sự nổi tiếng của bà, theo một cách nó dẫn đến tình thương chứ không dẫn đến ganh tị.
Linh mục Henri Nouwen, người đã phổ biến thành ngữ “người bị tổn thương chữa lành” cũng có đặc nét tương tự. Cha là linh mục xuất sắc, tác giả của hơn bốn mươi cuốn sách, một trong những diễn giả về tôn giáo nổi tiếng nhất trong thế hệ của ngài, đã làm việc ở Đại học Harvard và đại học Yale, người có nhiều bạn trên khắp thế giới; nhưng cha lại là người bị tổn thương sâu đậm, cha đã thú nhận nhiều lần, phải chịu đựng lo âu, bồn chồn, ghen tương và có khi phải vào dưỡng đường. Thêm nữa khi thú nhận nhiều lần, giữa thành công và nổi tiếng này, trong phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình, cha đã khó đơn giản chấp nhận tình yêu. Tổn thương của cha đã mãi mãi ngăn cản. Và điều này làm cho bản ngã của cha bị tổn thương, chủ yếu đậm nét trong từng trang viết trong mỗi cuốn sách của cha. Sự xuất sắc của cha mãi mãi tô đậm lên các tổn thương của cha và đó là lý do tại sao cha không bao giờ tự tin và luôn có lòng trắc ẩn. Không ai ganh với sự xuất sắc của cha Nouwen; ngài quá bị tổn thương để ganh tị. Thay vào đó, sự xuất sắc của cha luôn làm chúng ta xúc động theo cách chữa lành. Ngài là người chữa lành bị tổn thương.
Những lời nói, những tổn thương, những người chữa lành đan xen nhau. Tôi tin chắc Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta với một ơn gọi và một công việc đặc biệt ở đây trên trái đất này, dựa trên các tổn thương chúng ta hơn là trên các ơn của chúng ta. Quà tặng của chúng ta là có thật và quan trọng; nhưng họ chỉ mang ơn ích khi được định hình trong một loại trắc ẩn đặc biệt do đặc tính duy nhất của các tổn thương chúng ta. Các tổn thương đặc biệt, duy nhất của chúng ta có thể giúp mỗi chúng ta trở thành người chữa lành duy nhất, đặc biệt.
Thế giới chúng ta đầy những người xuất sắc, tài năng, rất thành công và xinh đẹp. Những món quà này là có thật, đến từ Chúa và không bao giờ được gièm pha nhân danh Chúa. Tuy nhiên, quà tặng chúng ta không tự động giúp đỡ người khác; nhưng chúng có thể hiệu quả nếu được tô màu bởi các tổn thương của chúng ta để chúng tuôn ra như lòng trắc ẩn chứ không phải là niềm kiêu hãnh.
____________
Nguồn: ronrolheiser.com, dịch FB: Giải Đáp Thắc Mắc Công Giáo
Hình: Tác phẩm nghệ thuật "Người bị tổn thương (là người) chữa lành" (The Wounded Healer) của Marija Gauci mô tả người phụ nữ đang tự vá những vết thương của mình. Thật ra thuật ngữ này xuất phát từ nhà tâm lý học phân tích Carl Gustav Jung.

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2021

Thanh tẩy để ánh sáng chiếu xuyên qua mình

 


Việc quan trọng nhất là thanh tẩy chính mình. Nếu không sạch, ta còn nhìn mọi thứ qua 1 màn ảo ảnh, bị lừa gạt vì những thứ mĩ miều, tốt lành. Đừng để mình đầy "rác", mà tìm kiếm thần thông, phép thuật. Đừng đứng ở trung lập, hãy là ánh sáng, hãy chọn sự sáng, con đường đến từ Thiên Chúa, hãy để Thiên Chúa là cứu cánh của bạn. Khi ta không còn sùng bái sự thật thì ta đã bước theo sự dữ. Khi ta tái thống nhất lại chính mình: Thể chất, linh hồn và phần thần tính trong ta ta sẽ biết sự thật. Những gì tốt nhất, những khả năng cần có chắc chắn sẽ có vì đó là cách bạn thực hiện sứ mệnh Chúa dành cho bạn trong đời này, nên đừng học mở luân xa, đừng học phép huyền bí, đừng tập thần thông.. đừng làm gì cả nếu chưa được thanh lọc. Như 1 cái cây cắm chưa vững vào nguồn nước sạch và vững chãi nó sẽ yếu đuối và dễ gãy đổ.

Hãy thức tỉnh và cầu nguyện.
Hãy hỏi Chúa điều này có ý nghĩa gì. Luôn có câu trả lời và chỉ dẫn đúng. Đừng ăn trái cấm, nghe lời dụ dỗ mà bị đuổi khỏi vườn-địa-đàng vị sự cao ngạo và lười biếng của mình.

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2021

Làm gì khi không thể suy nghĩ



Nếu bạn nghĩ chưa thông, chưa biết làm gì thì Tạm Dừng ý định bắt mình phải đưa ra quyết định ngay. Dừng mọi suy nghĩ, hít thở sâu bằng bụng, trở lại với hiện tại, biết mình tồn tại từng giây. Chừng nào bạn tĩnh tại như vậy chừng đó bạn sẽ sớm nên thông suốt trở lại. Bạn biết vì sao không? Điều gây trở ngại cho bạn không phải vấn đề đó mà là tâm trí bạn đang bị tắt vì quá nhiều suy nghĩ không phục vụ cho mục đích giải quyết vấn đề.

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

Đức tin

1. "Thưa anh em, chúng ta phải sợ rằng trong khi lời hứa được vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa vẫn còn đó, mà có ai trong anh em bị coi đã mất cơ hội. Quả thế, chúng ta đã được nghe loan báo Tin Mừng như những người kia. Nhưng lời họ đã nghe không sinh ích gì cho họ, bởi vì những kẻ đã nghe không lấy đức tin đáp lại lời giảng". Hr 4,1-2

2. Bấy giờ, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà, dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng. Người nói lời Thiên Chúa cho họ. Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt : “Này con, tội con được tha rồi.” Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng : “Sao ông này lại dám nói như vậy ? Ông ta nói phạm thượng ! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa ?” Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ : “Sao các ông lại nghĩ thầm trong bụng những điều ấy ? Trong hai điều : một là bảo người bại liệt : ‘Tội con được tha rồi’, hai là bảo : ‘Đứng dậy, vác chõng mà đi’, điều nào dễ hơn ? Vậy, để các ông biết : ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt-, Ta truyền cho con : Đứng dậy, vác chõng mà đi về nhà !” Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau : “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ !”
______________

Hôm nay Chúa đã nói với con người 3 điều:

- Con người được ở nơi chốn yên nghỉ, hạnh phúc cùng Chúa
- Con người được tha tội. Tội nguyên tổ ông bà Adam khi ăn trái biết-điều-thiện-điều-ác là tội cao ngạo, lười biếng ai trong chúng ta cũng có. Khi ăn quả trái cấm con người bắt đầu phán xét, nhị nguyện và không còn hoà hợp với chính mình nữa. Họ bị phân cách giữa cái tôi tội lỗi và con người thần thánh của họ.
- Con người được chữa lành phần thân xác

Chỉ cần họ có niềm tin và đón nhận lời của Người.

Chúa đã chữa lành phần linh hồn bị tổn thương do tội trước vì Người biết rằng khi con người sạch tội, khi con người kết nối lại với phần thần tính của họ thì họ sẽ tự lành. Nhưng anh em phải có lòng tin, vì điều anh em tin là sự lựa chọn của anh em. Chính Thiên Chúa cũng tôn trọng lựa chọn chúng ta: chọn giữa lấy tội lỗi mà đau khổ với nó hay chọn để Thiên Chúa giúp ta.

Người đến để mời chúng ta hãy tin Người. Thường khi người ta đường cùng rồi, lý trí bị đánh bại rồi, thân xác không còn sức lực nào người ta thấy phép màu. Bởi lúc đó họ đã tin thế lực thần thánh nào đó là cứu cánh cuối cùng sẽ giúp họ.

Khi con người có lòng tin, thì tim mình rộng mở; ân sủng được đổ xuống không bị cản lại mà được người ta đón nhận hoàn toàn. Sự lựa chọn của người khôn ngoan là 1 cái phễu lọc, hãy hứng lấy ân sủng và loại bỏ xấu xa, tiêu cực đi. Bạn đến gần Thiên Chúa hơn. Một khi ở cùng Người bạn đã ở trong chốn yên bình với Người ngay tại đời này rồi. Hãy sửa mình, đừng cầu nguyện xin thay đổi khó khăn, hãy xin cho mình có sự khôn ngoan để lựa chọn điều tốt nhất- cũng là điều Thiên Chúa muốn làm cho bạn.

Đức tin là 1 trong 3 trụ cột của Kito giáo. 3 cột trụ của nhân đức đối thần. Đức tin/nguyên tắc/cấu trúc định hình niềm tin của mỗi người. Lúc ở 1 mình, hãy xem xét lại các niềm tin của mình. Nếu cuộc sống chưa mãn nguyện, chưa vui vẻ, chưa hạnh phúc thì chắc hẳn rằng niềm tin bạn cài đã không đúng rồi. Làm việc lại với niềm tin của chính mình là bạn xây lại móng cho toà nhà chính mình 1 lần nữa.

Cuối cùng, hãy lựa chọn khôn ngoan! ❤️

Ảnh pinterest

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

"Chiên Ta thì nghe tiếng Ta"


Tất cả những gì xảy đến với chúng ta đều là bài học để giúp ta trưởng thành tinh thần. Trong lúc khó khăn nhất là lúc chúng ta được nâng lên. Cái Thiên Chúa muốn chúng ta học được ở đây là nhận thức về nó. Nếu bạn phạm sai lầm là cố ý hay vô ý khiến bạn tự giằn vặt bản thân mình, và xem mình là kẻ gây ra tai hoạ, không thể tha thứ được. Bạn bắt đầu thấy những khó khăn đến với mình, bạn sợ hãi, bạn oán trách và kêu rằng Thiên Chúa trừng phạt mình.

Tới đây, mình muốn giải oan cho Thiên Chúa, Chúa của chúng ta. Người cần bạn biết ăn năn. Vậy là đủ. Người luôn tha thứ, tha thứ mãi mãi. Người không cầm giữ tội, nắm lấy điểm yếu của bạn để trừng trị bạn. Chính tâm thức tự giằn vặt, xem mình là nạn nhân, oán trách, bạn đã thu hút điều xui rủi đến cho bản thân, và cớ để ma quỷ làm lòng bạn thêm xao xuyến. Ăn năn là tốt, nhưng tự giằn vặt bản thân chưa bao giờ được coi là phẩm chất tốt. Thậm chí nó được xem là một hội chứng phụ thuộc của tâm lý. Khi bạn tự nhốt mình trong sự giằn vặt thì bạn đã để mất những ân sủng vẫn luôn đổ xuống cho bạn, bạn có cầu nguyện nhưng bạn bẫn không tin Chúa tha thứ, không tin mình có cơ hội trở lại với Người. Nếu bạn không nắm lấy tay Người thì làm sao bạn ra được vũng lầy.
Ngược lại với người bị ám ảnh về tội, hay buồn đau là người không biết ăn năn về bất cứ chuyện gì. Bài học còn tiếp tục đến với họ cho đến khi họ hiểu được điều này.
Khi bạn làm việc với tâm trí bạn, khi bạn nghĩ điều không tốt bạn ăn năn ngay lúc đó, và khi bạn phạm sai lầm hãy làm-việc-đền-tội một cách chủ động, bất cứ hành động tốt lành nào bạn biết. Thiên Chúa cần bạn làm việc đền tội với Người để bạn hợp tác với Người để Người được giải thoát bạn, khi bạn xét mình làm việc đền tội, bạn không còn cớ để đau buồn, bạn làm điều này để bạn được tháo cỡi, được tha thứ và tự tha thứ cho mình, thoát khỏi nhà tù nạn nhân bạn sắp đưa mình vào. Việc ra khỏi nhà tù đó khó hơn việc đừng bước chân vào.
Đã đến lúc phải kết thúc tất cả nỗi đau của sự giằn vặt. Nó càng chấm dứt càng sớm thì tâm trí bạn càng nhẹ nhàng đi. Hãy dịu dàng với chính mình! Đã đến lúc Chúa gọi bạn: "Chiên Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta". Ga 10,27 Hãy lắng nghe và đi theo Người. 

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

Tại sao chúng ta lại gặp khó khăn khi trân quý chính mình?

Việc trở về với bản thân, trân quý mình là việc cần phải hành động.

Chúng ta chưa hiểu được tình yêu vô điều kiện, hoặc chưa nhìn thật kỹ mà thôi. Hãy nhìn cơ thể bạn hoạt động, nhìn cái cây, dòng sông, .. những gì thuộc về tự nhiên, nó đang hoat động không cần bạn yêu nó, bạn có giận đó, làm hại nó nó vẫn hoạt động như thể nó sinh ra để như vậy. Nếu bạn biết Chúa Giesu đã đổ máu trên thập giá, bị treo lên để bạn biết Người đến chỉ để cho bạn biết tình yêu là gì. Hẵn đã yêu bạn vô điều kiện, yêu bạn rất nhiều.
Chúng ta đã tổn thương để có thể tin vào tình yêu một lần nữa. Có thể bởi người chúng ta yêu thương và kính trọng, và chính chúng ta là người cũng kết án, phán xét, thiếu tin tưởng, bỏ mặc, thiếu tôn trọng.. mình nhiều hơn bất cứ ai khác.
Khi chúng ta bị tổn thương rồi chúng ta dựng lên cho mình 1 cái hàng rào- cái tôi để tự bảo vệ mình. Khi lớn lên cái tôi vẫn theo bạn, bạn vẫn phản ứng như khi bé vẫn làm, nhưng bây giờ bạn đã là con voi lớn bị cột vào cái cọc bé xíu, cái cọc đó là cái tôi của bạn, bạn vẫn không dám vùng lên vì bạn sợ bạn ngã đau như lúc bé, rất nhiều lần rồi. Kinh nghiệm đó chỉ là nỗi sợ, là sự xuyên xuyến ma quỷ gieo vào lòng bạn để ngăn bạn trở về với Tình Yêu Đích Thực.
Bớt lý trí, bớt cố chấp, bớt ảo tưởng bạn có thể xoay sở được tất cả. Vì bạn càng vin vào nỗi sợ bạn chỉ đang cản trở việc "học" bài học của bạn từ tổn thương đó. Hãy để Chúa Giesu giúp bạn, hãy đến cầu nguyện, tâm sự với Người về nỗi đau bạn đang mang. Hãy buông ra và tin ở Người, Người sẽ chữa lành bạn, và rồi bạn sẽ thấy mình mạnh mẽ đến thế nào. Khi có Người, sự khôn ngoan, tử tế, hài hoà nhất, bình an nhất bạn từng biết, sẽ đến và ở lại với bạn.